Các dự án đầu tư, xây dựng đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk: Những tín hiệu khả quan
Năm 2016, các dự án đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk lần lượt được phê duyệt, đem lại tín hiệu khả quan trong kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, từng bước hoàn thiện hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Ea H'leo. |
Năm 2015, các dự án trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, phương tiện cơ giới ngày càng nhiều, đặc biệt đây là một trong những tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh, nhu cầu đi lại lớn, về lâu dài dễ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Do đó, tỉnh đã có các văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho đầu tư xây dựng các đoạn trên đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh và đến cuối tháng 4-2016, Bộ đã phê duyệt 2 dự án đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk gồm tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ và đoạn từ Đinh Tiên Hoàng nối với Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột).
Cụ thể, đối với đoạn tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ có tổng chiều dài trên 26 km, tổng kinh phí phê duyệt gần 575 tỷ đồng, được xây dựng theo quy mô đường cao tốc, cấp 80-100 km, gồm 4-6 làn xe; trước mắt, giai đoạn 1 sẽ xây dựng theo quy mô đường cấp IV, rộng 9 mét, gồm 2 làn xe cơ giới. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ được tách riêng thành tiểu dự án, do UBND tỉnh triển khai thực hiện, dự kiến diện tích đất giải tỏa và thu hồi khoảng 69 ha, kinh phí thực hiện 69 tỷ đồng. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang khẩn trương hoàn thiện công tác GPMB, tính đến đầu tháng 7-2016, một số công tác đã hoàn thiện gồm: thẩm định, phê duyệt đề cương, dự toán lập kế hoạch bảo vệ môi trường; chỉ định thầu tư vấn; cắm cọc GPMB, rà phá bom, mìn…
Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải xem bản vẽ chi tiết tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ đoạn giao nhau với Quốc lộ 29 (qua huyện Krông Búk). |
Đối với đoạn từ Đinh Tiên Hoàng nối với đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) có chiều dài trên 2,8 km, tổng mức gần 80 tỷ đồng, đầu tư xây dựng theo quy mô đường đô thị, vận tốc thiết kế 60km/giờ, mặt đường rộng 14 mét, vỉa hè mỗi bên rộng 2 mét. Dự án này không phải GPMB, chỉ thực hiện di dời một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, được tách thành tiểu dự án, kinh phí hơn 5 tỷ đồng.
Theo quyết định phê duyệt, thời gian triển khai 2 dự án này từ 2016 - 2017, do đó, tỉnh xác định GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu các đơn vị liên quan phải khẩn trương, tập trung thực hiện. Theo đó, tại văn bản số 5384/UBND-CN ngày 11-7-2016 về công tác GPMB tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ, UBND tỉnh giao Sở GTVT tập trung bàn giao mốc hành lang tuyến để các địa phương có dự án đi qua có cơ sở lập phương án bồi thường GPMB; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Buôn Hồ, huyện Cư M’gar và Krông Búk để giải quyết các thủ tục, vướng mắc trong quá trình thực hiện...
Cùng với 2 dự án nói trên, trong tương lai, đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk cũng được xây dựng theo quy mô đường cao tốc. Theo Quyết định số 194/2012/QĐ-TTg ngày 15-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc qua Tây Nguyên sẽ được đầu tư xây dựng sau năm 2020 (thuộc giai đoạn 3 của dự án). Cụ thể, đoạn qua Tây Nguyên (Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk – Đắk Nông đến Bình Phước) có tổng chiều dài 494 km, sẽ được xây dựng theo quy mô từ 4 – 6 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 80 – 100 km/giờ. Công trình qua tỉnh Đắk Lắk dài gần 125 km, điểm đầu tại km 1592+200 thuộc địa phận xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo), điểm cuối tại km 1717 thuộc ranh giới giữa xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) và xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông). Theo quyết định trên, trong giai đoạn 3 đường Hồ Chí Minh sẽ từng bước xây dựng các đoạn trên tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch, kết nối với hệ thống đường sắt, đường ngang. Đây được xem là trục hành lang kinh tế quan trọng kết nối Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phía Nam. Đường cao tốc kết hợp với tuyến đường sắt chạy dọc Tây Nguyên trong tương lai sẽ tạo thành trục kỹ thuật làm cơ sở quan trọng để phát triển các trung tâm kinh tế lớn toàn vùng, hình thành các trung tâm chuyên ngành mới.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông (ngoài cùng, bên phải) cùng đoàn công tác thực địa tại điểm đầu tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ. |
Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao sự phối hợp giữa tỉnh và Bộ trong quá trình lập chủ trương đầu tư; thực hiện công tác GPMB đối với 2 dự án đoạn tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ và Đinh Tiên Hoàng nối với Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột). Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại tương đối lớn, để bảo đảm thời gian khởi công trong tháng 9-2016, hoàn thành vào tháng 7-2017, tỉnh và chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với Bộ và các đơn vị liên quan triển khai dự án bảo đảm nguyên tắc không vượt tổng mức đầu tư được duyệt, theo đó, phải kiểm soát chặt chẽ các giải pháp kỹ thuật, giá thành xây dựng.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc