Cựu chiến binh xã Ea Kuêh (huyện Cư M'gar) thi đua làm kinh tế giỏi
Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) hiện có 213 hội viên, trong đó có 103 hội viên là người dân tộc thiểu số, tham gia sinh hoạt ở 11 chi hội thôn, buôn.
Những năm qua, phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo được Hội CCB xã Ea Kuêh xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Để giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, Hội CCB xã đã đứng ra tín chấp với Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho 206 hộ vay với tổng dư nợ đến nay đạt gần 5,6 tỷ đồng. Hội còn vận động hội viên đóng góp quỹ Hội được 253 triệu đồng, qua đó giúp 38 hộ vay vốn với lãi suất thấp; tín chấp với các công ty phân bón mua hàng chục tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm 50% hỗ trợ hội viên.
Vườn tiêu năm thứ 3 của CCB Hoàng Văn Phước (buôn Jarai) đã cho thu bói. |
Có thể nói, việc phát động phong trào thi đua đã khuyến khích các hội viên CCB tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế bền vững, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận xóa đói giảm nghèo. Điển hình trong số CCB làm kinh tế giỏi của xã phải kể đến ông Hoàng Văn Phước ở buôn Jarai với mô hình trồng đa cây đa con trên một đơn vị diện tích đất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích 10 ha đất, ông Phước trồng trên 6 ha điều, trong đó có 2 ha điều xen cao su và 4 ha điều xen ca cao; 4 ha đất còn lại được ông trồng cà phê xen tiêu, sầu riêng Đô na và đào 4 ao nuôi cá. Ngoài ra, ông còn kết hợp chăn nuôi heo, gà, vịt và đưa 300 cây mít nghệ vào trồng ở hàng rào bao quanh vườn. Hiện nay, trên diện tích này, mỗi năm ông thu được hơn 10 tấn cà phê, 5 tấn điều, 1,5 tấn ca cao, 1,5 tấn cá, 6-7 tấn heo; trừ chi phí còn thu lãi hàng trăm triệu đồng. Trong vòng 2-3 năm tới, khi các loại cây trồng còn lại cho thu hoạch thì thu nhập của gia đình ông sẽ cao hơn nữa. Ngoài ra, ông Phước còn tạo công việc ổn định cho 3 công nhân trong buôn với mức thu nhập từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng và hàng chục công nhân khác vào mùa vụ thu hoạch. Ông Phước chia sẻ: “Áp dụng mô hình đa cây, đa con hiệu quả kinh tế mang lại cao, tránh được rủi ro về giá cả cũng như thời tiết. Cụ thể như nuôi heo sẽ tận dụng được nguồn phân vừa bón cho cây trồng vừa làm thức ăn cho cá giúp giảm chi phí sản xuất. Trồng cây ca cao dưới tán điều giúp cây ca cao được che bóng mát, hạn chế được nguồn nước tưới kết hợp đưa thêm một số hoa màu khác vào trồng…”. CCB Hoàng Văn Nghiêm (thôn Thác Đá) cũng là hộ điển hình trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trước đây, với hơn 3 ha đất, ông Nghiêm chỉ trồng cà phê và điều, thời tiết thất thường và giá cả không ổn định khiến việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2005, ông Nghiêm trồng thử nghiệm 100 cây tiêu giống Vĩnh Linh trong vườn và mạnh dạn trồng tiêu trên trụ gạch xây với mỗi trụ có chiều cao khoảng 3 m, đường kính đáy từ 1-1,2 m, trồng được 5 dây tiêu giống. Ông Nghiêm chia sẻ: “Việc trồng tiêu trên trụ gạch giúp cây hồ tiêu sinh trưởng tốt, ít bệnh, trụ gạch xây được đắp cao hơn mặt đất nên mùa mưa đến giúp cây tiêu không bị úng nước, tránh được việc thối rễ. Năng suất, sản lượng tiêu thu đạt cao hơn rất nhiều so với trồng trụ bê tông”. Có kinh nghiệm, ông còn đưa thêm 200 trụ tiêu vào trồng xen trong vườn cà phê, điều. Hiện nay, với 100 trụ tiêu đang trong kỳ kinh doanh, mỗi năm ông thu ổn định 1,5 tấn tiêu hạt, từ 2,5 - 2,7 tấn cà phê và 1,5 tấn điều, mang lại trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất.
Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch Hội CCB xã Ea Kuêh cho biết, hiện nay Hội CCB xã có 120 hộ hội viên có mức kinh tế khá, giàu trở lên (chiếm 56,7%) và còn 20 hộ thuộc diện nghèo (chiếm tỷ lệ 10%). Hội CCB xã đang nỗ lực phấn đấu mỗi năm giảm từ 2,5-3% số hộ hội viên nghèo.
H’Xiu Êban
Ý kiến bạn đọc