Multimedia Đọc Báo in

Dự án đường vành đai bờ hồ Ea Kar: Doanh nghiệp và nhân dân cùng chung tay, góp sức

06:40, 13/08/2016

Là công trình gắn với Dự án du lịch hồ Ea Kar, đường vành đai bờ hồ đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng không gian đô thị của địa phương, cũng như phát triển các dịch vụ du lịch trong tương lai. Con đường đã và đang hình thành từ sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp (DN) và người dân sở tại.

Điểm nhấn không gian đô thị Ea Kar

Hồ chứa nước Ea Kar được xây dựng từ năm 1977 với dung tích thiết kế 8,2 triệu m3, diện tích hơn 200 ha, hằng năm phục vụ tưới cho gần 1.000 ha cà phê và lúa nước của người dân tại các xã Ea Kmút, Cư Ni, các nông trường, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 720, 721. Theo quy hoạch mở rộng phát triển thị xã Ea Kar trong tương lai thì hồ chứa nước Ea Kar sẽ nằm trong khu vực thị xã. Với vị trí nêu trên, hồ sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mở rộng không gian kiến trúc đô thị để phát triển khu vực dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch trong phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của thị trấn Ea Kar hiện tại nói riêng, toàn huyện nói chung. Dự án đường vành đai bờ hồ Ea Kar gắn với dự án du lịch hồ Ea Kar – đồi Chư Cúc là một dự án quan trọng trong việc mở rộng, phát triển không gian đô thị của huyện, công trình được đầu tư sẽ tạo điểm nhấn về cảnh quan không gian đô thị, thúc đẩy du lịch phát triển. Với ý nghĩa đó, sau khi được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và thống nhất của Thường trực HĐND, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với 2 địa phương có dự án đi qua là thị trấn Ea Kar và xã Ea Kmút tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng toàn bộ công trình, lấy ý kiến người dân, DN để xây dựng tuyến đường bằng hình thức xã hội hóa, trong đó, chủ đạo là sự đóng góp về nhân công, máy móc thiết bị thi công công trình từ phía DN, tinh thần tự nguyện hiến đất của người dân.

Thi công đường vành đai bờ hồ Ea Kar.
Thi công đường vành đai bờ hồ Ea Kar.

Dự án đường vành đai bờ hồ gồm 3 hạng mục chính: đường vành đai có tổng chiều dài 6,7 km, 2 đập kết hợp đường giao thông và 1 cầu dân sinh nối tuyến đường tại thôn Chư Cúc với buôn Gà (xã Ea Kmút). Trong đó, tuyến phía Đông bờ hồ (thuộc thị trấn Ea Kar) có chiều dài khoảng 2,5 km, có 88 hộ sử dụng đất, 3 hộ có công trình kiến trúc gắn liền với đất cần phải hỗ trợ giải phóng mặt bằng; tuyến phía Tây bờ hồ (qua địa phận xã Ea Kmút) dài 3,5 km, có 57 hộ sử dụng đất liên quan đến dự án, trong đó có 1 hộ có công trình kiến trúc; đường vành đai đoạn nối từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ra Quốc lộ 26, chiều dài 700 mét.

Dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 thực hiện trong năm 2016 dự kiến xây dựng 6 km đường, với quy mô mặt đường 11 mét, lề đường mỗi bên 6 mét, cấp phối sỏi đồi và rải đá dăm mặt đường, trồng cây xanh vỉa hè, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, thi công 1 cầu dân sinh; giai đoạn 2 (2017 - 2020) hoàn thiện nền, mặt đường toàn tuyến với chiều dài 7,3 km, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ phát triển du lịch.

Lan tỏa một phong trào

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng đường vành đai bờ hồ Ea Kar giai đoạn 1 hơn 11,2 tỷ đồng (chưa kể người dân hiến đất, tháo dỡ công trình kiến trúc trên đất), trong đó, DN đóng góp gần 9 tỷ đồng, và 1,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Cụ thể, DN hỗ trợ chi phí các hạng mục như xây lắp, điện chiếu sáng, trồng cây xanh 2 bên đường, khảo sát, thiết kế và huy động máy móc, nhân công triển khai thi công tuyến đường. Tiêu biểu có các DN như Công ty Phúc Cường, Đức Tân, Quý Hoàng, Việt Đức, Phúc Vinh, Nam Sơn, Hoàng Hùng, Thành Đạt, Thịnh Phú, Tấn Đạt, Sơn Hà, Công ty Môi trường và đô thị Buôn Hồ.

Đường vành đai bờ hồ được xây dựng - mở ra cơ hội phát triển du lịch cho huyện Ea Kar.
Đường vành đai bờ hồ được xây dựng - mở ra cơ hội phát triển du lịch cho huyện Ea Kar.

Ngoài sự hỗ trợ của các DN, sự đóng góp của người dân của 2 địa phương có dự án đi qua rất lớn, với khoảng 40.000 m2 đất, trong đó, xã Ea Kmút khoảng 30.000 m2, thị trấn Ea Kar gần 10.000 m2. Vì mục tiêu, lợi ích chung, hàng trăm hộ dân đã không ngần ngại đóng góp, hiến đất để con đường hình thành, tiêu biểu tại xã Ea Kmút có các hộ: Lê Văn Trình, thôn Ninh Thanh 1 đã hiến gần 1.400 m2 và 80 cây vải, bơ, mít trong thời kỳ kinh doanh; Lê Như Phượng (cùng thôn) hiến hơn 1.100 m2 và 130 cây cà phê, muồng; Đoàn Minh Trọng, thôn Chư Cúc, hiến gần 1.400 m2; Nguyễn Thạch, thôn Chư Cúc hiện trên 1.300 m2, các hộ còn lại hiến diện tích ít cũng khoảng 3 m2, nhiều từ 500 – 700 m2. Còn tại thị trấn Ea Kar, phong trào này cũng không kém phần sôi nổi, có 79 hộ, với gần 10.000 m2 đất hiến (chưa kể các công trình kiến trúc và cây trồng có giá trị trên đất).

Là một trong những gia đình hiến đất với diện tích lớn nhất khi triển khai dự án này, anh Phan Hữu Quỹ, tổ dân phố 1, thị trấn Ea Kar chia sẻ, sau khi tổ dân phố họp bàn việc giải phóng mặt bằng làm đường, gia đình anh sẵn sàng hiến gần 2.000 m2 đất nằm trong diện bị giải tỏa và các cây trồng trên đất. Cách nhà anh Quỹ không xa, hộ chị Trần Thị Mận là một trong những hộ thuộc diện cận nghèo của thị trấn Ea Kar, nhưng khi nghe thông báo chủ trương mở rộng đường bờ hồ, chị cũng không ngần ngại tự nguyện hiến đất. Chồng mất vì bệnh hiểm nghèo, một mình chị vừa nuôi 2 con ăn học, vừa chăm nom mẹ già ốm yếu, nhà chỉ được 2.000 m2 đất, mọi nguồn thu nhập của gia đình phụ thuộc vào việc chăn nuôi, nhưng nhà chị vẫn  hiến 150 m2 đất để mở rộng đường bờ hồ.

Có thể khẳng định, với sự chung tay, góp sức của cộng đồng DN và người dân, tuyến đường bờ hồ Ea Kar vốn nhỏ hẹp, lầy lội đã và đang được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân nơi có dự án đi qua. Đây cũng là “con đường du lịch” mở ra cơ hội phát triển ngành “công nghiệp không khói” của huyện Ea Kar.

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.