Huyện Cư M'gar: Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật – công nghệ cho nông dân
Để giúp người nông dân nâng cao kiến thức và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật – công nghệ (KHKT-CN) trong phát triển sản xuất, thời gian qua, huyện Cư M’gar đã tổ chức chuyển giao, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế.
Cư M’gar là một huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên 82.443 ha, trong đó có khoảng 62.103 ha đất sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế đất đai màu mỡ, trong những năm qua chính quyền địa phương đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, khuyến khích người dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT – CN vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Cùng với việc đào tạo, tập huấn, huyện còn tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình, chuyển giao kỹ thuật thực hiện cho các hộ dân như mô hình tưới tiết kiệm nước, trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, sản xuất cà phê có chứng nhận chất lượng…
Mô hình trồng xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê là một trong những cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cư M’gar triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Gia đình ông Y Djăk Ayun (xã Ea Kuêh) là một trong những hộ mạnh dạn áp dụng mô hình trồng sầu riêng xen trong vườn cà phê. Với những kiến thức học hỏi từ các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật được triển khai ở địa phương, nhận thấy cây sầu riêng cho năng suất và giá thành ổn định, ông Y Djăk quyết định đầu tư mua cây giống sầu riêng về trồng xen trong 4 ha cà phê của mình. Sau khi sầu riêng cho thu hoạch, mỗi năm gia đình ông thu về trên 100 triệu đồng mỗi vụ, chưa kể năng suất, sản lượng cây cà phê cũng tăng lên đáng kể nhờ mô hình xen canh này. Theo ông Y Djăk, việc trồng cây ăn quả trong vườn cà phê không tốn nhiều công đầu tư chăm sóc nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài ra, nó còn có tác dụng che nắng, gió và đặc biệt là giữ độ ẩm cho đất, giảm được số lần cũng như lượng nước tưới cho cây cà phê vào mùa khô.
Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao của Trung tâm dạy nghề huyện Cư M’gar. |
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tìm phương thức canh tác phù hợp cho người dân là rất quan trọng. Việc áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm được coi là hợp lý và được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Không chỉ riêng cây cà phê mà cây hoa và rau màu cũng đang được nông dân các xã trên địa bàn huyện sử dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm thông qua công nghệ tưới nhỏ giọt và phun mưa để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết khô hạn. Thực tế cho thấy, mô hình tưới tiết kiệm vừa đỡ tốn thời gian và công lao động, giảm chi phí đầu tư, gia tăng lợi nhuận; vừa giúp giải quyết tối ưu được vấn đề đầu tiên trong sản xuất nông nghiệp là nước tưới, bảo vệ được sức khỏe cộng đồng, môi trường và giúp sản xuất phát triển bền vững. Anh Nguyễn Quốc Dũng (xã Ea M’nang) chia sẻ về việc ứng dụng hiệu quả mô hình: với gần 2 ha cà phê, trước đây khi bước vào các đợt tưới, gia đình phải thuê lao động túc trực để tưới cho từng gốc nhưng hiệu quả mang lại không cao. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, khi áp dụng công nghệ tưới phun mưa, việc tưới nước đã dễ dàng hơn, hiệu quả hơn là đã hạn chế được một số loại bệnh gây hại, cây cà phê xanh tốt hơn hẳn do được cung cấp nước đầy đủ mà không gây lãng phí.
Mô hình trồng thử nghiệm nấm linh chi công nghệ cao trước khi chuyển giao cho người dân ở huyện Cư M’gar. |
Cùng với trồng trọt, bà con nông dân trên địa bàn huyện còn chủ động ứng dụng KHKT – CN trong đầu tư chăm sóc và ổn định các đàn vật nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhiều phương pháp, quy trình sản xuất phân hữu cơ sinh học, nuôi bò sinh sản, kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm rơm… đã được triển khai thông qua các mô hình trình diễn để nông dân học tập làm theo. Điển hình như mô hình nuôi bò sinh sản, trồng nấm sò và mộc nhĩ được triển khai tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mô hình bón phân cân đối cho cây cà phê tại thị trấn Quảng Phú, Ea Pốk, xã Cư Suê và Cư M'gar với tổng diện tích trên 2 ha; mô hình nuôi gà an toàn sinh học; thâm canh, bảo tồn giống lúa cạn LC408… Qua thực tế, hầu hết các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Hiện nay, UBND huyện Cư M’gar cũng đang triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến. Ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết: “Xác định vai trò then chốt của KHKT- CN đối với phát triển nông nghiệp ở địa phương, thời gian qua, UBND huyện đã tập trung phát triển, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng KHCN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Theo đó, UBND huyện cũng đang tiên phong xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 50 ha để giúp nhân dân tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học công nghệ; hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng”.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc