Khó kiểm soát chất lượng phân bón - Vì sao?
Trước ma trận của thị trường phân bón thật giả lẫn lộn, việc lựa chọn sản phẩm nào để gửi gắm niềm tin là điều mà nhiều nông dân trong tỉnh luôn trăn trở...
Với diện tích cây trồng các loại trên 500.000 ha, Đắk Lắk được coi là thị trường đầy tiềm năng cho sản phẩm phân bón. Trên thực tế, số doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất phân bón của tỉnh không nhiều, phần lớn đều được nhập từ tỉnh khác về như Bình Dương, Đồng Nai, Cà Mau, Kiên Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa… Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.141 DN, cá nhân kinh doanh phân bón, tập trung nhiều ở TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Năng, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Ana. Hình thức mua, bán của các đại lý trong tỉnh với các nhà sản xuất chủ yếu qua điện thoại chứ không trực tiếp giao dịch tại các điểm kinh doanh. Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, hằng năm, nguồn cung mặt hàng này khá dồi dào, ổn định, tình trạng khan hiếm hàng hay mất cân đối vào thời điểm mùa vụ không xảy ra, tuy nhiên, về chất lượng thì vẫn còn nhiều điều cần bàn.
Cán bộ Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực của tỉnh tiến hành kiểm tra về nhãn mác, bao bì phân bón. |
Trong 2 năm 2014 và 2015, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra gần 100 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó đã phát hiện và xử lý 50 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 1,3 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm về nhãn trên bao bì 7 vụ, không có dấu hợp quy trên bao bì 33 vụ, phân bón hết hạn sử dụng 1 vụ, phân bón giả 1 vụ… Các cơ quan chức năng đã tịch thu trên 28 tấn phân vi sinh hiệu Humic Dung Quất ngoài danh mục, 130 bao phân bón nhãn hiệu Yaraliva hết hạn sử dụng. Riêng vụ phát hiện 5 tấn phân kali giả với hàm lượng Kali chỉ đạt 61% đã chuyển qua công an xử lý hình sự. Mới đây nhất, Đoàn Kiểm tra liên ngành thường trực của tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Ea Súp và Buôn Đôn và đã phát hiện một số sai phạm. Theo ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh, hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón chưa có tên trong danh mục được phép sản xuất, không có hợp đồng đại lý, sử dụng hóa đơn không đúng quy định, vi phạm về nhãn hàng hóa, phân bón hết hạn sử dụng, phân bón giả, không có dấu hợp quy trên bao bì…
Cán bộ Đoàn Kiểm tra liên ngành thường trực tỉnh lấy mẫu phân bón để kiểm nghiệm tại một đại lý phân bón ở xã Ea Lê, huyện Ea Súp. |
Thực tế cho thấy, khi mua phải phân bón giả, kém chất lượng thì nông dân là người chịu thiệt đơn, thiệt kép. Trong khi đó, giữa lúc vấn nạn phân giả đang “tung hoành” trên thị trường thì chính nông dân lại không biết sản phẩm nào nên tránh, sản phẩm nào nên mua, chỉ đến khi mua về sử dụng không hiệu quả mới hay là đã mua phải phân bón giả. Đáng nói hơn, công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, một phần do lực lượng chức năng chuyên môn làm công tác thanh, kiểm tra còn mỏng, phương tiện, thiết bị hỗ trợ kiểm tra sản phẩm phân bón còn thiếu; phần khác do quy định của pháp luật về phân công thẩm quyền kiểm tra cũng có nhiều bất cập, vướng mắc. Đơn cử như Nghị định 163/2014/NĐ-CP ngày 1-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng QLTT. Mặt khác, việc xác định phân bón giả hay kém chất lượng cần phải lấy mẫu kiểm định, nhưng hiện tại Chi cục QLTT tỉnh - đơn vị chủ công trong công tác phòng, chống, ngăn chặn, hàng giả, nhái, gian lận thương mại lại không có người có đủ thẩm quyền lấy mẫu theo quy định. Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên chưa có Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng phân bón nên việc lấy mẫu phân tích phải gửi về TP. Hồ Chí Minh để giám định và phải chờ ít nhất là 15 ngày mới có kết quả nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục điều này, theo ông Chí, thời gian tới, ngành chức năng trước khi kiểm tra sẽ bí mật mua mẫu phân bón (nghi làm giả) để giám định trước khi tiến hành kiểm tra, xử lý. Song, về lâu dài, để ngặn chặn nạn phân bón giả, kém chất lượng thì ngoài sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên của QLTT rất cần sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng, sự hợp tác của người dân lẫn chính quyền địa phương…
Số liệu thống kê cho thấy, nhu cầu sử dụng phân bón cho cây trồng của người dân trong tỉnh là khá lớn, khoảng 1 triệu tấn các loại/ năm. Hiện, thị trường tỉnh Đắk Lắk có đến hàng trăm loại phân bón, nội địa và nhập ngoại, được nông dân sử dụng phổ biến nhất là phân Urê, Ka li, lân, NPK, SA, DAP và phân vi sinh… Cũng chính sự đa dạng của mặt hàng này nên có không ít các sản phẩm phân bón kém chất lượng, giả, nhái trà trộn trên thị trường để tiêu thụ, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc