Multimedia Đọc Báo in

Không để "nghẽn dòng" vốn ODA

09:07, 02/08/2016

Những năm qua, sự hỗ trợ đầu tư từ các dự án (DA) ODA, cơ sở hạ tầng thiết yếu như: giao thông, thủy lợi, y tế, trường học… đã từng bước được cải thiện. Nguồn lực đầu tư này đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thi công hệ thống thoát nước thuộc DA thoát nước Buôn Ma Thuột do DANIDA tài trợ.
Thi công hệ thống thoát nước thuộc DA thoát nước Buôn Ma Thuột do DANIDA tài trợ.

Tín hiệu tích cực từ những dự án hỗ trợ đào tạo nghề

Trong những năm qua, sự hỗ trợ của nguồn vốn ODA đã góp phần xây dựng Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên trở thành là một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của quốc gia, trong đó hướng đến đào tạo một số nghề cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế. Triển khai năm 2011, hoàn thành tháng 4 năm 2015, DA Tăng cường kỹ năng nghề do Ngân hàng phát Châu Á (ADB) tài trợ với tổng vốn đầu tư trên 3,8 triệu USD, trong đó vốn ODA 2,219 triệu USD, với quy mô đầu tư gồm: xây dựng 1 xưởng công nghệ kỹ thuật (5 tầng), cung cấp trang thiết bị cho 3 nghề: Công nghệ thông tin, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học đối với các nghề trọng điểm của trường. Tác động và hiệu quả của DA đó là cơ sở vật chất được tăng cường, thiết bị dạy và học được đổi mới, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được tham gia đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực đã từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo; tăng quy mô đào tạo nghề. DA Nâng cấp trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2017 do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA)  với tổng vốn đầu tư 6 triệu USD (vốn ODA 5 triệu USD) Hiện nay đang được triển khai đảm bảo tiến độ; các hạng mục xây lắp được giám sát chặt chẽ, chất lượng công trình đảm bảo tốt. Đây là DA đầu tư nâng cấp Trường thành trường dạy nghề hàng đầu khu vực Tây Nguyên. Dự án tập trung đầu tư vào nhóm nghề công nghệ - kỹ thuật, gồm: Công nghệ thông tin, Công nghệ ôtô, Điện – Điện tử. Thầy Ra Lan Von Ga, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên cho biết, mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện dự án vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, việc bố trí, xử lý, điều tiết vốn đối ứng đôi lúc chưa đáp ứng kịp thời; hàng hóa, thiết bị tài trợ bao gồm cả thiết bị sản xuất trong nước lẫn nước ngoài phải tập kết dài ngày dẫn đến tiến độ triển khai một số DA còn chậm so với kế hoạch; việc bảo dưỡng, bảo trì các trang thiết bị đã đưa vào sử dụng chưa được thường xuyên, liên tục do nguồn kinh phí chi thường xuyên hàng năm còn hạn chế… nhưng về cơ bản, những dự án đầu tư tại trường bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư của nhà tài trợ. Trong quá trình triển khai thực hiện DA, nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như tích cực phối hợp với chủ đầu tư theo đúng như cam kết với nhà tài trợ. Ngoài công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề của giáo viên đồng bộ với việc đầu tư các trang thiết bị để việc sử dụng, vận hành đạt hiệu quả cao nhất, để tăng hiệu quả DA đầu tư tại trường, nhà trường còn hợp đồng với các doanh nghiệp để làm dịch vụ nhằm tăng cường tay nghề cho người dạy và người học, góp phần giải quyết việc làm cho HSSV. Hiện nay, nhà trường tiếp tục nghiên cứu, nắm bắt xu hướng, nhu cầu nhân lực của xã hội để xây dựng lộ trình, kế hoạch kêu gọi đầu tư đối với các nghề có nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới.

Cán bộ quản lý Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên tham quan học tập tại Hàn Quốc theo chương trình DA Nâng cấp Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên do KOICA tài trợ.
Cán bộ quản lý Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên tham quan học tập tại Hàn Quốc theo chương trình DA Nâng cấp Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên do KOICA tài trợ.

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn tài trợ

Trên địa bàn tỉnh hiện có 33 DA, chương trình ODA được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với tổng mức đầu tư 5.410 tỷ đồng (11 DA hoàn thành; 15 DA, chương trình chuyển tiếp và mở mới trong năm 2015; 3 DA đã được ký hiệp định trong năm 2016; 4 DA được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư). Theo đánh giá của Sở Kế hoạch – Đầu tư, đa số các chương trình, DA đều bảo đảm tiến độ thực hiện cũng như tỷ lệ giải ngân vốn theo kế hoạch, những vướng mắc liên quan đến quy trình đấu thầu, giải ngân dự án theo yêu cầu của nhà tài trợ cơ bản được giải quyết. Một số DA do tỉnh làm cơ quan chủ quản như: DA mở rộng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và đấu nối hộ gia đình TP. Buôn Ma Thuột, hiện nay đang triển khai thực hiện các gói thầu theo cam kết; 3 gói thầu về mua sắm trang thiết bị cho bãi rác Hòa Phú, đường Trần Quý Cáp, bãi rác Hòa Phú thuộc DA Phát triển các thành phố loại 2 tại Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đắk Lắk - Tiểu dự án Buôn Ma Thuột đã được ADB phê duyệt. Riêng hợp phần BMT2, BMT 3: Xây dựng đường chiến lược – Đường Trần Quý Cáp  và đường Mai Thị Lựu đang đợi bổ sung vốn đối ứng để hoàn thành phương án bồi thường và GPMB. Các DA do bộ, ngành làm cơ quan chủ quản cơ bản cũng bảo đảm  kế hoạch  đề ra. Chương trình đảm bảo chất lượng trường học – SEQAP: từ năm 2010-2015, đã thực hiện xây dựng 45 phòng học, 45 nhà vệ sinh, 7 phòng học đa năng. Dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống nông dân vùng Tây Nguyên – FLITCH đã hoàn thành, hiện đang thực hiện các thủ tục kết thúc DA… Lũy kế vốn ODA đã giải ngân từ đầu năm của các chương trình, DA đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh là 56,942 tỷ đồng; vốn đối ứng Trung ương 32,190 tỷ đồng/45.751 triệu đồng (đạt 70% so với kế hoạch). Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định: “Đắk Lắk là một trong những địa phương sử dụng hiệu quả nguồn vốn  ODA, được các nhà tài trợ đánh giá cao. Để các DA ODA bảo đảm tiến độ và cam kết theo hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ, UBND tỉnh luôn là cơ quan đồng hành và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình cụ thể của từng dự án, qua đó kịp  thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện DA”.       

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc