Multimedia Đọc Báo in

Rạch ròi trách nhiệm của doanh nghiệp đã cổ phần hóa

09:09, 07/08/2016

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang là xu hướng tất yếu của nền kinh tế, nhưng khi đi vào thực tế, nhiều vấn đề nảy sinh đã “làm khó” doanh nghiệp.

Vướng “kỳ án”, doanh nghiệp kêu trời!

Ngày 29-6 vừa qua, TAND TP. Buôn Ma Thuột đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Huy Nam (phường 12, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) và bị đơn là Công ty CP Đầu tư XNK Đắk Lắk (Inexim Đắk Lắk). Đây là vụ án đã kéo dài nhiều năm, với nhiều lần xét xử nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết. Có thể tóm tắt nội dung vụ án như sau: ngày 3-10-2005, ông Nguyễn Huy Nam khởi kiện Inexim Đắk Lắk (lúc ấy đang là Công ty Đầu tư XNK Đắk Lắk – DN Nhà nước thuộc quản lý của UBND tỉnh) đến TAND huyện Đắk Mil (Đắk Nông) yêu cầu trả lại 50 tấn cà phê nhân xô R2 5% mà ông khai là đã gửi tại Chi nhánh thu mua Cư Jút – Đắk Mil do ông Nguyễn Mai Hiệp làm giám đốc.

Vụ án phát sinh từ năm 2005, nhưng mãi đến năm 2007 Công ty Đầu tư XNK Đắk Lắk mới tiến hành cổ phần hóa. Như vậy, trong 2 năm thẩm định giá trị DNNN, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) (Bộ Tài chính) và Ban Chỉ đạo cổ phần hóa tỉnh đã không đưa khoản nợ 50 tấn cà phê trên vào hồ sơ công ty vì không có cơ sở.

Sau đó, TAND tỉnh Đắk Nông xét xử phúc thẩm vụ án này và cả hai phiên sơ, phúc thẩm đều tuyên Inexim Đắk Lắk phải trả cho ông Nguyễn Huy Nam số cà phê trên. Ngày 28-4-2008, TAND Tối cao xử giám đốc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm. Sau đó, ông Nguyễn Huy Nam tiếp tục khởi kiện tại TAND TP. Buôn Ma Thuột, ngày 18-9-2013, tòa này xét xử sơ thẩm và tuyên Inexim Đắk Lắk phải trả cho ông Nguyễn Huy Nam 50 tấn cà phê nhân xô R2 5%. Sau đó, tại phiên phúc thẩm ngày 23-9-2014, TAND tỉnh Đắk Lắk lại tuyên hủy bản án sơ thẩm. Bởi trong quá trình giải quyết vụ án, TAND tỉnh có nhiều văn bản trao đổi với TAND Tối cao và đề cập quan điểm xét xử theo Điều 146 Bộ Luật dân sự (theo TAND Tối cao, trong trường hợp này là buộc Giám đốc chi nhánh Cư Jút - Đắk Mil là người phải trả lại 50 tấn cà phê do hành vi cố ý làm trái nguyên tắc, vượt quá thẩm quyền cho phép). Thế nhưng, mới đây nhất, ngày 29-6 vừa qua, TAND TP. Buôn Ma Thuột lại đưa ra xét xử và tiếp tục tuyên buộc Inexim Đắk Lắk phải trả cho ông Nguyễn Huy Nam số cà phê trên. Như vậy, vụ án đã kéo dài 10 năm, với 6 lần xử và 2 lần hủy án, đồng nghĩa với đó là việc doanh nghiệp (DN) phải liên tục “hầu” kiện trong suốt 10 năm qua.

Đừng tạo tiền lệ xấu

Ở đây không bàn đến chuyện đúng – sai trong vụ án này, bởi còn liên quan đến nhiều vấn đề tố tụng. Vấn đề ở đây là bài học rút ra trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), để khi thực hiện cổ phần hóa xong DN phải hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn thay vì phải chạy theo những vụ kiện tụng như trên. Cụ thể ở đây, cổ phần hóa DNNN tức là đã chuyển hình thức sở hữu thì mọi hoạt động của DN phải tuân theo Luật Doanh nghiệp (Luật số 60/2005/QH11). Trong trường hợp này, vốn, tài sản của Inexim Đắk Lắk sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần là của tập thể cổ đông, không thể có chuyện buộc cổ đông dùng tài sản của chính mình để trả cho khoản nợ mà họ không liên quan từ thời còn là DNNN. Hơn nữa, đến năm 2007 công ty mới tiến hành cổ phần hóa, nhưng trong hồ sơ xác định giá trị DN để cổ phần hóa, khoản nợ 50 tấn cà phê trên hoàn toàn không có trong hồ sơ quyết toán, bàn giao cho Inexim Đắk Lắk. Theo quy định tại khoản 3, điều 10, chương I Nghị định 109/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần quy định rõ: “Các nghĩa vụ và trách nhiệm của DN cổ phần hóa được xác định bổ sung sau khi đã quyết toán, bàn giao cho công ty cổ phần không thuộc trách nhiệm của công ty cổ phần”. Rõ ràng, quy định của Chính phủ một đường, kết luận của tòa án lại một kiểu (?!)

Đây là một vụ án điển hình liên quan đến những vấn đề phát sinh trong quá trình cổ phần hóa DNNN cần được những cơ quan có thẩm quyền giải quyết triệt để, tháo gỡ khó khăn cho DN và tránh bị “vướng” trong quá trình cổ phần hóa các DN còn lại thời gian đến.     

 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.