Multimedia Đọc Báo in

Thu thuế qua bưu điện - Thêm giải pháp cho cải cách thủ tục hành chính thuế

09:45, 05/08/2016

Để đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm tải cho ngành Thuế, Kho bạc Nhà nước trong thu nộp ngân sách, ngành Thuế đang triển khai đề án thí điểm ủy nhiệm thu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán trên địa bàn tỉnh.

1 cán bộ quản lý 354 cá nhân kinh doanh

Cục Thuế tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 33.286 cá nhân kinh doanh (CNKD), trong đó có trên 13.055 CNKD thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, thuế môn bài; 20.231 CNKD thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, với tổng số thuế thu hằng năm trên 165 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh của CNKD đa dạng, bao quát nhiều ngành nghề, trong khi đó hầu hết CNKD không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ nên việc quản lý thuế gặp nhiều trở ngại. Để quản lý số CNKD kinh doanh này, ngành Thuế phải phân công 95 cán bộ (16,4% tổng số cán bộ thuế trên toàn tỉnh) trực tiếp theo dõi, bình quân 1 cán bộ thuế phải quản lý 354 CNKD. Với áp lực lớn, nhiều thời điểm phải huy động sự tham gia của đại diện các ban, ngành, chính quyền địa phương (hội đồng tư vấn thuế xã, phường, ban quản lý các chợ...) khiến công tác quản lý CNKD phức tạp, tốn kém, nhưng hiệu quả không cao. Một trở ngại nữa là tâm lý của CNKD thường không muốn nộp thuế trực tiếp vào kho bạc, ngân hàng hoặc tập trung nộp vào một số ngày cao điểm, gây quá tải cho các điểm thu của kho bạc, ngân hàng, mất thời gian chờ đợi cho người nộp thuế. Quan trọng hơn, vì e ngại trước những khó khăn trên, một số nơi CNKD đã nhờ cán bộ thuế nộp giúp hoặc thu trực tiếp bằng biên lai thuế. Việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với CNKD tiềm ẩn nhiều rủi ro, tiêu cực, công tác quản lý thuế CNKD thiếu tính công bằng, minh bạch.

Cán bộ thuế huyện Cư M’gar kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Cán bộ thuế huyện Cư M’gar kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Ủy nhiệm thu thuế qua bưu điện

Trước những khó khăn trên, ngành Thuế đã triển khai đề án ủy nhiệm thu thuế qua bưu điện đối với CNKD nộp thuế theo phương pháp khoán. Bước đầu, biện pháp thu thuế này sẽ được triển khai thí điểm tại thị xã Buôn Hồ, huyện Ea Kar và Ea H’leo. Đây là những địa phương có số thuế khoán lớn của tỉnh (chỉ đứng sau TP. Buôn Ma Thuột). Căn cứ bộ thuế khoán hằng năm và thông tin bổ sung hằng quý về số thuế phát sinh, số thuế tăng, giảm do ngành Thuế cung cấp, bưu điện tại các địa phương trên sẽ thay mặt ngành Thuế triển khai đôn đốc, thu nộp ngân sách Nhà nước.

Ngành bưu điện tỉnh hiện có 637 nhân viên, có kinh nghiệm thu, chi hộ và đang triển khai cung cấp dịch vụ tài chính với hơn 14 doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh, có khả năng quản lý và kiểm soát dòng tiền lớn khi đang thu, chi hộ cho Bảo hiểm xã hội,  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội…

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn, việc ủy nhiệm thu thuế qua bưu điện sẽ tận dụng được cơ sở vật chất của các điểm giao dịch bưu điện. Đặc biệt, mỗi xã đều có ít nhất 2 nhân viên bưu điện thường trực, tạo thuận lợi trong việc theo dõi, báo cáo với cơ quan Thuế về các thay đổi, phát sinh. Quan trọng hơn, đây là giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế rất khả thi, bởi người nộp thuế có thêm lựa chọn cách nộp thuế phù hợp, dễ dàng tiếp cận điểm giao dịch, có thể nộp ngoài giờ hành chính và cả vào những ngày nghỉ.

Theo ông Bùi Văn Chuẩn, mặc dù mới chỉ được triển khai thí điểm, nên chưa thể đánh giá hết hiệu quả của biện pháp thu thuế mới này, nhưng rõ ràng khi thực hiện biện pháp này sẽ giảm tải rất lớn cho ngành Thuế. Và lúc ấy, cán bộ thuế sẽ chỉ phải tập trung vào việc hướng dẫn người nộp thuế thực hiện chính sách thuế, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với người nộp thuế, tránh các rủi ro, tiêu cực tiềm ẩn. 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.