Multimedia Đọc Báo in

Thủy điện mùa mưa: Gắn sản xuất với bảo đảm an toàn hồ chứa

09:07, 12/08/2016

Đắk Lắk đã vào cao điểm mùa mưa, mực nước tại hồ chứa các nhà máy thủy điện (NMTĐ) dồi dào và ổn định. Do đó, cùng với việc tăng tốc sản xuất, các NMTĐ cũng thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ.

Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah.
Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah.

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao quản lý, vận hành 3 NMTĐ: Buôn Tua Srah,  Buôn Kuốp và Sêrêpôk 3, tổng công suất 586 MW. Do ảnh hưởng của El Ninô kéo dài, từ đầu năm đến nay, lưu lượng nước về các hồ chỉ đạt xấp xỉ 80% so với năm 2015 và 60% so với trung bình nhiều năm trước, ảnh hưởng nặng nề đến kế hoạch sản xuất của công ty. Sản lượng điện sản xuất 7 tháng đầu năm chỉ đạt 692,65 triệu kWh, (tương đương 29,2% so với kế hoạch năm 2016), bằng 80% so với cùng kỳ năm 2015. Từ nay đến cuối năm, mực nước các hồ ổn định, công ty đẩy mạnh sản xuất, tăng thời gian, công suất chạy máy để hoàn thành kế hoạch 2,375 tỷ kWh. Về hồ chứa, hồ đầu nguồn Buôn Tua Srah có chế độ điều tiết năm và có dung tích lớn nhất trên bậc thang đã được đưa về xấp xỉ cao trình mực nước chết để tạo nên dung tích phòng lũ cao nhất. Các hồ có chế độ điều tiết ngày Buôn Kuốp và Sêrêpôk 3 cũng đã được đưa về mực nước cao nhất trước lũ theo quy định của quy trình vận hành hồ chứa. Để bảo đảm an toàn hồ chứa, công ty đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; đồng thời, kiểm tra công tác chuẩn bị phương án, nhân lực, thiết bị vận hành hồ chứa trong mùa mưa lũ. Từ đầu tháng 8, mặc dù chưa có bão lũ xảy ra trên địa bàn, nhưng công ty đã áp dụng chế độ trực ban thường xuyên tại các hồ, quan trắc, theo dõi sát sao mọi diễn biến hình thế thời tiết trên lưu vực, để kịp thời xử lý mọi tình huống xảy ra. Đặc biệt, theo Quy trình vận hành liên hồ chứa được Chính phủ ban hành, quyền quyết định xả lũ được giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, tuy nhiên, do UBND các tỉnh chưa đủ điều kiện nhân lực, thiết bị để điều tiết, xả lũ các hồ, công ty đã xây dựng quy chế phối hợp trong công tác xả lũ tại các hồ giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông và đã ký kết phương án phối hợp xả lũ các hồ giữa các địa phương.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra hồ chứa và hệ thống cửa xả thủy điện Hòa Phú.
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra hồ chứa và hệ thống cửa xả thủy điện Hòa Phú.

Sở Công thương cho biết, toàn tỉnh hiện có 18 công trình thủy điện, tổng công suất gần 860 MW đã đi vào hoạt động; sản lượng điện sản xuất đến cuối tháng 7-2016 chỉ đạt 870 triệu kWh, tương đương 62% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân là do tình hình hạn hán kéo dài gây ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất của các NMTĐ, một số nhà máy phải ngừng hoạt động hoặc giảm công suất chạy máy trong thời kỳ cao điểm mùa khô. Thời điểm từ tháng 7 đến cuối năm là mùa sản xuất chính của các NMTĐ, sản lượng điện sản xuất bắt đầu tăng, theo đó, toàn tỉnh đưa ra kế hoạch sản xuất 3,2 tỷ kWh. Về công tác an toàn hồ chứa, trong số 18 nhà máy đang hoạt động, có 14 công trình có hồ chứa, Sở Công thương đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, NN-PTNT kiểm tra công tác quản lý an toàn hồ đập tại các nhà máy. Theo đánh giá ban đầu cho thấy, nhìn chung phần lớn các công trình đã có phương án vận hành hồ chứa được cơ quan chức năng phê duyệt, các chủ hồ tuân thủ việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn công trình thủy điện, báo cáo hiện trạng an toàn đập và chuẩn bị phương án, nhân lực, vật tư cho công tác vận hành, phòng chống lụt bão.     

Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, dự kiến cuối tháng 8-2016 công ty sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân vùng hạ du tại 5 xã thuộc huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) và Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) các kỹ năng ứng phó với các tình huống khi lũ lụt xảy ra. Theo đó, người dân sẽ được thông tin về mực nước, vị trí mốc cảnh báo nguy hiểm, thời điểm, lưu lượng, phương án phối hợp xả lũ, cũng như các khu vực trọng yếu, hiệu lệnh xả lũ, phương hướng, địa điểm di tản khi có lũ. 

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.