Multimedia Đọc Báo in

Ánh điện sáng vùng căn cứ

10:44, 01/09/2016

Suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm của dân tộc, các xã cánh Đông của huyện Krông Bông là Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao đã phải hứng chịu bao mất mát, đau thương. Tuy nhiên, gần 10 năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm mà cuộc sống của bà con ở vùng căn cứ cách mạng này đã được cải thiện đáng kể... 

Tiếp xúc với các già làng, trưởng buôn và một số cựu chiến binh từng đi qua hai cuộc kháng chiến, ai cũng thừa nhận rằng cuộc sống hôm nay có nhiều đổi thay chính là nhờ có hệ thống điện lưới quốc gia do Nhà nước đầu tư xây dựng. Già làng Ama Hoa (70 tuổi, ở buôn căn cứ cách mạng Đắk Tour, xã Cư Pui) cho biết: “Khoảng 10 năm trước đây, vẫn là mảnh đất, con người này nhưng đời sống kinh tế của bà con vẫn nghèo, nhiều nhà cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm. Đồng bào không chỉ thiếu thốn về vật chất mà đời sống văn hóa tinh thần cũng nghèo nàn. Không điện, không tivi, buổi tối người dân phải dùng đèn dầu thắp sáng để sinh hoạt và con cái họ cũng lớn lên, học tập dưới ánh đèn dầu suốt cả thời gian dài…”.

Công nhân Công ty Điện lực Đắk Lắk bảo trì đường điện ở xã vùng sâu Cư Pui.
Công nhân Công ty Điện lực Đắk Lắk bảo trì đường điện ở xã vùng sâu Cư Pui.

Từ cuộc sống đói nghèo thì nay trên vùng quê cách mạng này đã thực sự “thay da đổi thịt”, buôn làng nào cũng có điện thắp sáng, nhiều người đã xây dựng được nhà cửa kiên cố, khang trang, mua sắm đầy đủ các phương tiện, máy móc cơ giới phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Người dân còn được xem các chương trình hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi trên tivi nên từ đó đã mạnh dạn hơn trong làm ăn phát triển kinh tế. Chẳng hạn, buôn Tul từng là một trong những buôn nghèo khó nhất của xã Yang Mao, tỷ lệ hộ nghèo trước năm 2010 chiếm trên 70%, thế nhưng đến nay nhờ được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, cùng với những chính sách phát triển kinh tế phù hợp nên đời sống ngày càng khấm khá. Nhiều hộ gia đình đã mua được xe máy, tivi, máy cày, máy xay xát và lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25%. Tiêu biểu như già làng Y Rét M’lô không chỉ là người có uy tín mà còn làm kinh tế giỏi, thu nhập bình quân hằng năm hàng trăm triệu đồng với mô hình nông-lâm kết hợp. Già Y Rét chia sẻ: “Từ khi có ánh điện thắp sáng, người dân mừng lắm vì mọi sinh hoạt được thuận tiện hơn, trẻ con học hành cũng tốt hơn. Có điện xem ti vi, nhận thức của người dân cũng tăng lên, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, từng bước xóa đói giảm nghèo”.

Nhờ có điện lưới quốc gia, cuộc sống người dân  xã Yang Mao đang đổi thay từng ngày.
Nhờ có điện lưới quốc gia, cuộc sống người dân xã Yang Mao đang đổi thay từng ngày.

Chia sẻ về những đổi thay của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Huỳnh Bài cho biết: “Sau năm 1975, đời sống của người dân toàn huyện gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 80%, trong đó có hàng trăm hộ đói ăn vào mùa giáp hạt, Chính phủ phải hỗ trợ gạo cứu đói. Mọi thứ đã thay đổi từ năm 2003 khi điện lưới quốc gia được kéo về khắp các buôn làng, đời sống người dân dần được cải thiện. Ở đây, đa phần người dân đều sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, vào mùa khô phải tưới nước cho cây trồng. Vì vậy, khi chưa có điện phải dùng máy chạy dầu rất tốn kém nhưng khi có điện thì chi phí giảm, tiết kiệm được khoảng 70%. Đến nay, toàn vùng cơ bản xóa đói, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới còn khoảng 30%”.

Thực hiện dự án cấp điện cho 63 thôn, buôn căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã hoàn thành lắp đặt 115 km đường dây trung áp, 169 km đường dây hạ áp, 61 trạm biến áp với tổng kinh phí đầu tư hơn 53 tỷ đồn, phục vụ cấp điện cho 6.760 hộ dân ở vùng sâu, vùng xa. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo đến năm 2020, với tổng đầu tư khoảng 28.809 tỷ đồng và Đắk Lắk là một trong số 48 địa phương trong cả nước được thụ hưởng chương trình này. Mục tiêu đến 2020 sẽ hoàn thành cấp điện cho 1.288.900 hộ gia đình ở 12.140 thôn, bản thuộc 57 xã trên toàn quốc.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc