Multimedia Đọc Báo in

Bất cập trong quản lý đập thủy lợi 19-5

09:30, 20/09/2016

Đập 19-5 xã Hòa Thành, huyện Krông Bông ban đầu được người dân địa phương ngăn suối Ea Rai đắp lên từ năm 1980. Đập đã 2 lần được huyện đầu tư kiên cố hóa, hiện có diện tích 25 ha, dung tích 600.000 m3, phục vụ tưới cho hơn 95 ha lúa nước của người dân.

Trước đây, công trình này do tổ thủy nông xã quản lý, vận hành. Với kinh nghiệm và nắm vững đặc điểm thủy văn, địa hình, tổ quản lý đập đã phục vụ tốt cho việc canh tác của người dân, lúa không bao giờ bị thiếu nước trong mùa hạn, năng suất thường đạt 9 tấn/ha. Tuy nhiên, theo phản ánh của địa phương, từ năm 2014 đến nay, công trình được bàn giao cho Công ty TNHH MTV quản lý các công trình thủy lợi Đắk Lắk, khiến công tác quản lý, vận hành xuất hiện những bất cập, hồ không phát huy hết công năng.

Cụ thể, đợt hạn vụ đông xuân 2015 – 2016, có 20 ha lúa ở đây bị hạn nặng do thiếu nước tưới, năng suất chỉ đạt 6 tấn/ha. Bên cạnh đó, khả năng tích nước của đập và thời gian xả cũng giảm nhiều so với trước đây. Theo ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch UBND xã Hòa Thành, nguyên nhân của tình trạng này là do các cán bộ vận hành công trình không nắm rõ đặc điểm thủy văn, địa hình khu vực xung quanh và hạ du đập dẫn đến việc tích và xả nước không hiệu quả. Bên cạnh đó, đơn vị chủ quản đập thiếu sự phối hợp với cán bộ thủy nông có kinh nghiệm tại địa phương.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cho rằng, việc tích nước chưa hợp lý khiến hơn 32 ha cây trồng các loại của người dân bị ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của các hộ dân này. Cụ thể, gia đình anh H.V.A ở thôn 6 xã Hòa Thành có 1 ha đất sản xuất trong lòng đập đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ lâu, mấy năm gần đây thường xuyên bị ngập úng, mất mùa, nhưng anh không nhận được hỗ trợ từ đơn vị quản lý công trình. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là công trình này chưa được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch, nên không có cơ sở bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do vận hành đập. Do vậy, địa phương mong muốn các cơ quan chức năng sớm quy hoạch đập 19-5, nhằm mở rộng diện tích tưới tiêu cho vùng hạ lưu, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên trong và ngoài lòng đập. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp giữa đơn vị chủ quản công trình và chính quyền địa phương trong việc vận hành, điều tiết nước để nâng cao hiệu quả sử dụng đập một cách tối đa. 

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.