Multimedia Đọc Báo in

Đưa khuyến nông đến vùng sâu

09:22, 20/09/2016

Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để chọn giống mới, xây dựng mô hình, tổ chức hội thảo, tập huấn… đã giúp Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar nâng cao hiệu quả trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Hiệu quả từ thực tế

“Nhờ được Trạm Khuyến nông huyện đầu tư giống, phân bón xây dựng mô hình trồng đậu tương mà chỉ sau gần 3 tháng, gia đình tôi đã thu lãi gần 100 triệu đồng”, anh Phạm Xuân Toàn (thôn 6, xã Xuân Phú) hồ hởi. Qua khảo sát, Trạm Khuyến nông huyện nhận thấy các điều kiện về đất đai, nguồn nước của gia đình anh đáp ứng yêu cầu thâm canh đậu tương giống mới nên quyết định đầu tư 2,4 tạ giống và phân bón, tổng trị giá 11,5 triệu đồng xây dựng thử nghiệm mô hình từ tháng 5-2016. Để đối ứng, gia đình bỏ công trồng, chăm sóc, thu hoạch. Trong quá trình cây sinh trưởng, phát triển, cán bộ của Trạm luôn “kề vai sát cánh” hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Sau gần 3 tháng, 3 ha đậu tương đã cho thu hoạch đạt năng suất trung bình 3,3 tấn/ha, bán với giá 14.000 đồng/kg.

Điều đáng nói, mô hình này đã trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của hội viên phụ nữ, nông dân trên địa bàn. Để nhân rộng mô hình, anh Toàn đã giữ lại 1 tấn hạt giống, cung cấp cho người dân có nhu cầu, đồng thời phổ biến, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc. Nhờ vậy, đến nay đã có 10 hộ trong xã đưa giống đậu tương mới này vào canh tác, vừa giúp cải tạo đất, vừa đem lại nguồn thu nhập đáng kể.

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar kiểm tra mô hình thử nghiệm trồng đậu tương tại gia đình anh Phạm Xuân Toàn  (thôn 6, xã Xuân Phú)
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar kiểm tra mô hình thử nghiệm trồng đậu tương tại gia đình anh Phạm Xuân Toàn (thôn 6, xã Xuân Phú).

Gia đình ông Đào Quang Hiếu (thôn 4, xã Xuân Phú) có 700 trụ tiêu kinh doanh, trong đó có 100 trụ đã già cỗi, năng suất thấp nên định phá bỏ trồng lại. Sau khi phân tích, thuyết phục gia đình, năm 2015 Trạm Khuyến nông huyện đã đầu tư 3 triệu đồng xây dựng mô hình trình diễn thử nghiệm sử dụng phân hữu cơ vi sinh để phục hồi số diện tích tiêu già cỗi.

Theo đó, thay vì chỉ sử dụng phân chuồng và phân hóa học như trước đây, ông Hiếu đã dùng phân hữu cơ vi sinh pha với nước theo tỷ lệ thích hợp rồi phun lên lá cây tiêu theo đúng hướng dẫn của Trạm và nhân viên công ty phân bón. Đến nay, 100 gốc tiêu nói trên đã xanh tốt hơn trước, khả năng phục hồi cao. Điều quan trọng, qua mô hình thử nghiệm đã giúp ông Hiếu cũng như nhiều hộ trồng tiêu trong vùng thay đổi tư duy, thói quen trong việc sử dụng phân bón, chú trọng những loại phân phù hợp, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Nhân rộng mô hình

Để chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho nông dân, bên cạnh 6 cán bộ, nhân viên, Trạm Khuyến nông huyện đã phát triển mạng lưới khuyến nông cơ sở gồm 20 người và 218 cộng tác viên ở tất cả các thôn, buôn trên địa bàn. Trạm đã phối hợp, cộng tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm giống và các công ty để xây dựng, phát triển bộ giống chủ lực của địa phương như: ngô lai ngắn ngày A 88, C 252, NK 46, NK 54, VN 9860; lúa lai F1, lúa siêu cao sản CV1; ca cao; điều ghép… Qua đó, đã phát triển được 20.000 ha ngô lai 2 vụ/năm, 6.000 ha lúa 2 vụ, hàng trăm héc-ta ca cao, điều ghép, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến trên địa bàn.

“Qua công tác khuyến nông đã giúp nông dân trên địa bàn thay đổi tập quán canh tác, từ độc canh sang xen canh, thâm canh, tăng vụ góp phần hình thành các vùng nguyên liệu như lúa lai, ngô lai, bò sinh sản, rau xanh, cà phê, hồ tiêu… tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân”.

(Bà Lê Thị Đức Hạnh, Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện)

Đối với chương trình phát triển chăn nuôi, Trạm đã xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên để cải tạo đàn bò địa phương, đầu tư 74 bò đực giống lai tạo trên 1.200 con giống của các xã vùng sâu như Ea Ô, Cư Yang, Cư Bông, Ea Pal; triển khai mô hình vỗ béo bò bằng phương thức nuôi nhốt, trồng cỏ và sử dụng cám tổng hợp là các nguyên liệu sẵn có (cám, ngô, rỉ mật, sắn…). Bên cạnh đó, Trạm cũng đã thực hiện các mô hình nạc hóa đàn heo, nuôi gà thả vườn, ngan Pháp…

Không chỉ xây dựng mô hình, Trạm phối hợp với Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên… tổ chức tập huấn, hội thảo, tham quan, học tập kinh nghiệm giúp nông dân nắm bắt và nhân rộng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; phối hợp với Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện tuyên truyền về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; xây dựng 23 câu lạc bộ khuyến nông hoạt động có hiệu quả.

Khó khăn lớn nhất trong hoạt động của Trạm Khuyến nông huyện hiện nay là vấn đề kinh phí thực hiện mô hình còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Do vậy, Trạm mong muốn nhận được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa của huyện và sự phối hợp của các địa phương, doanh nghiệp trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân.  

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.