Nơi lòng dân đồng thuận
Từ năm 2009 đến nay, thôn Tân Trung (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) luôn giữ vững danh hiệu là thôn văn hóa tiêu biểu của Đắk Lắk và sắp tới sẽ được Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (ĐKXDĐSVH) tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen vì đạt được những thành tích xuất sắc trong 15 năm triển khai thực hiện phong trào.
Ông Nguyễn Đức Thú-Trưởng thôn kiêm Phó bí thư chi bộ thôn Tân Trung cho rằng, có được những thành quả đáng tự hào đó là nhờ lòng dân đồng thuận, hưởng ứng tích cực chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của chính quyền địa phương đề ra. Hay nói cách khác là “ý Đảng, lòng dân” ở đây đã được thể hiện một cách sâu sắc và sinh động.
Đường nội bộ trong thôn Tân Trung đều được bê tông hóa. |
Theo ông trưởng thôn, vấn đề giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo luôn được chi bộ cùng người dân quan tâm hàng đầu. Thôn Tân Trung có gần 150 ha cà phê được đầu tư thâm canh, mang lại hiệu quả cao. Nhờ vậy, những năm gần đây, mặc dầu giá cà phê không tăng mạnh nhưng 185 hộ dân trong thôn vẫn khấm khá lên nhờ biết vận dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là người dân sớm tìm cách thích ứng với những thay đổi trong bối cảnh hội nhập. Ông Thú dẫn chứng, ví như trong sản xuất cà phê, bà con không chạy theo phong trào “bóc lột” đất đai như nơi khác, mà tìm cách “nuôi đất” để còn trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế khác. Ở nhiều nơi, người trồng cà phê tìm mọi cách (trong đó phổ biến nhất là dùng thuốc, phân bón hóa học) để kích thích, hay nói đúng hơn là “ép” cây cà phê phát triển nhanh, cho năng suất cao để kiếm lợi nhuận, dẫn đến hệ lụy là sản phẩm không sạch, chất lượng không bảo đảm và nguy hại hơn là vườn cây, đất đai nhanh chóng bị suy thoái. Đến khi chỉ cần một tác động bất lợi nào đó (như rớt giá, thời tiết…) thì người làm cà phê trở nên khó khăn và điêu đứng. Thôn Tân Trung không như thế, bởi hầu hết các nông hộ đều hướng đến sản xuất bền vững, vườn cà phê rất hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học mà thường xuyên tăng cường bón phân vi sinh tự làm. Vì thế sản phẩm làm ra được Công ty Cà phê Tháng 10, Công ty Cà phê Phước An thu mua với giá cao hơn so với nơi khác.
Ông Tạ Quang Hồng, một trong nhiều hộ đi đầu trong việc hướng đến nền sản xuất bền vững của thôn Tân Trung cho rằng, điều quan trọng hơn là nhờ đất đai được nuôi dưỡng như thế nên nhà nào cũng thuận lợi khi triển khai mô hình vườn cà phê trồng xen các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ hạt lép và gần đây là bơ booth. Mô hình này cho thu nhập mỗi năm từ 600-700 triệu đồng/ha. Nhờ vậy mà đời sống kinh tế của người dân thôn Tân Trung không ngừng được cải thiện. Nếu như năm 2001, thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 3,5 triệu đồng thì đến năm 2015 đã đạt gần 43 triệu đồng. Hiện tại toàn thôn chỉ còn lại 5 hộ nghèo do mất sức lao động.
Kinh tế ổn định, người dân thôn Tân Trung có điều kiện tích cực hưởng ứng các hoạt động, phong trào ở địa phương, nhất là phong trào Toàn dân ĐKXDĐSVH, trong đó nội dung gắn kết với xây dựng nông thôn mới luôn dẫn đầu xã Ea Kênh nói riêng và huyện Krông Pắc nói chung. Ông trưởng thôn cho biết, hơn 4 km đường giao thông trong vùng đã được bê tông hóa, điện được kéo về thắp sáng các con đường chủ yếu từ nguồn lực đóng góp của người dân với hơn 1,3 tỷ đồng và hàng trăm ngày công lao động. Thôn có trường mẫu giáo được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 100%. Hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao được duy trì, tổ chức thường niên vào dịp cuối năm (âm lịch) nhờ hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư, xây dựng khá đồng bộ. Từ nhà sinh hoạt văn hóa, các câu lạc bộ ví dặm xứ Nghệ, đàn tính, hát then Tày-Nùng, dân ca - dân vũ miền Bắc… đều được các cộng đồng người dân (cùng quê, cùng sở thích) tự đứng ra tổ chức, gìn giữ và bảo tồn theo hướng lớp trước truyền dạy cho lớp sau kế thừa, nối tiếp. Vì thế, nói như Cụ Lê Viết Khóa, tuổi đã ngoài 80 rằng - cả thôn như bức tranh làng quê Việt Nam thu nhỏ trên cao nguyên này. Ở đó có sự đa dạng trong sinh hoạt đời sống, phong phú trong cách nghĩ, cách làm… nhưng điểm chung vẫn là tình làng, nghĩa xóm được mọi người quan tâm, bồi đắp trên vùng đất được coi là quê hương thứ hai của mỗi người.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc