Phải "cởi trói" cho doanh nghiệp
Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, mở ra những thị trường lớn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước, nhưng cũng đồng thời biến thị trường trong nước thành “sân chơi” cho các DN nước ngoài. Điều đáng nói ở đây là liệu DN trong nước bước vào “sân chơi” lớn đã được hưởng sự công bằng?
Mới đây, tại chuyến công tác đến Đắk Lắk, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh – Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế đã ví von: Có một gia đình nọ đồng ý cho con của mình thi đấu vật với con của người hàng xóm trên sân nhà mình. Bởi như nhận định khách quan, hai đứa trẻ có sức vóc tương đồng nên chuyện thắng - thua là do năng lực của hai đứa trẻ. Đến hẹn, nhà hàng xóm đưa con sang thi thố, chủ nhà cũng mang con mình ra, nhưng lại trói tay lại. Và kết quả là đứa trẻ bị trói tay dù thi đấu trên sân nhà mình nhưng vẫn phải nhận thất bại. Kể câu chuyện trên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh muốn nói lên thực trạng khó khăn mà DN trong nước đang phải gánh chịu, nhất là những trói buộc về thể chế. Trói buộc về thể chế ở đây là sự thiếu nhất quán của chính sách đã khiến DN không thể yên tâm mở rộng sản xuất, kinh doanh; là sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường, cơ hội kinh doanh...; là các khoản chi phí không chính thức... Tất cả những điều đó khiến cho DN trong nước khó phát triển được như mong muốn.
Do vậy, “cởi trói” cho DN bằng cách xóa bỏ nhũng nhiễu, tăng trách nhiệm giải trình của các đơn vị hành chính công, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi… làm cho chi phí giao dịch của DN thấp xuống, để họ tự tin hơn. Lúc đó DN tự bơi được trong “ao nhà” sẽ dần lớn mạnh lên để “bơi” ra “biển lớn”. Nếu không càng hội nhập, DN trong nước càng teo tóp và lúc ấy hội nhập chẳng khác nào “bày mâm cho người khác đến ăn”…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc