Multimedia Đọc Báo in

Phân cấp chi thường xuyên - cần thay đổi cho phù hợp thực tế

08:04, 04/09/2016

Chi thường xuyên là một trong những hoạt động ngân sách quan trọng nhằm bảo đảm hệ thống quản lý Nhà nước về kinh tế, xã hội có thể vận hành. Việc xây dựng kế hoạch chi sát với thực tế sẽ giúp quá trình phân phối, sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt hiệu quả cao.

Hiện nay, việc phân cấp chi thường xuyên của tỉnh được quy định tại Nghị quyết 21/2010/NQ-HĐND, ngày 10-12-2010 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi từ năm 2011 cho ngân sách các cấp chính quyền thuộc tỉnh Đắk Lắk và Nghị quyết 23/2010/NQ-HĐND, ngày 10-12-2010 về tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk từ năm 2011. Sau một quá trình thực hiện, thực tế chi thường xuyên đã có nhiều thay đổi khiến những quy định trong các Nghị quyết trên đã không còn phù hợp. Chẳng hạn, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu theo Nghị quyết 23, một trong những khoản thu lớn của các địa phương là tiền sử dụng đất, các địa phương chỉ được giữ lại tỷ lệ không đáng kể. Cụ thể, các dự án thuộc TP. Buôn Ma Thuột, đơn vị thành phố được giữ lại 70%, nhưng theo một nghị quyết quy định hoạt động của Quỹ phát triển đất, trong 70% đó có bao gồm nộp về quỹ phát triển đất 30% và nộp 10% chi phí đo đạc. Như vậy, tiếng là được giữ 70%, nhưng thực chất chỉ còn 30%. Trong khi đó, ở các huyện, thị xã còn lại được giữ 100%, nhưng cũng phải nộp 30% cho Quỹ phát triển đất và 10% phí đo đạc, nên thực chất chỉ còn lại 60% số tiền thu được. Với cách phân chia đó, rất khó khuyến khích các địa phương tích cực khai thác nguồn thu cho NSNN về lĩnh vực này. Bởi theo Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ, nguồn vốn của Quỹ phát triển đất được sử dụng thực hiện nhiệm vụ ứng vốn để tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thế nhưng, trong thực tế, những việc trên các địa phương đã thực hiện trước đó mới có thể thu được tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách.

Bên cạnh bất cập trên, với thời hạn phân bổ dài sẽ không phù hợp với sự thay đổi thường xuyên của nhiệm vụ chi. Bởi chi thường xuyên là quá trình phân bổ và sử dụng thu nhập từ các quỹ tài chính công nhằm đáp ứng các nhu cầu chi gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền về quản lý kinh tế – xã hội. Chi thường xuyên có phạm vi rộng, gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền địa phương. Khoản chi này mang tính chất tiêu dùng, quy mô và cơ cấu chi thường xuyên phụ thuộc chủ yếu vào tổ chức bộ máy hoạt động. Hiện nay, xét theo lĩnh vực chi, chi thường xuyên gồm chi cho các đơn vị sự nghiệp (mang tính tiêu dùng nhằm mục đích nâng cao trình độ dân trí, sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân, tạo động lực gián tiếp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm trật tự xã hội), chi cho các hoạt động quản lý Nhà nước (các khoản chi để bảo đảm hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương), chi cho hoạt động an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội… Với xu thế ngày càng phát triển, nhiệm vụ chi thường xuyên của Nhà nước ngày càng gia tăng. Chính vì vậy chi thường xuyên cũng có xu hướng mở rộng theo từng thời điểm. Chẳng hạn, các khoản chi quản lý hành chính không chỉ dừng lại ở việc duy trì hoạt động quản lý của bộ máy Nhà nước mà còn nhằm mục đích phục vụ xã hội. Hoạt động này nhằm bảo vệ và hỗ trợ cho các chủ thể và các hoạt động kinh tế phát triển, chẳng hạn hoạt động cấp phép, công chứng, hộ khẩu… Do vậy, với thời hiệu thực hiện dài như các Nghị quyết trên, các địa phương sẽ gặp khó khăn trong việc phân bổ nguồn chi phù hợp với nhu cầu thực tế.

Trong tình hình thu – chi NSNN đang gặp khó khăn như hiện nay, rất cần có cơ chế để khuyến khích tăng thu, đồng thời cũng cần phân bổ chi phù hợp.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.