Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp ở TP. Buôn Ma Thuột: Tại sao không?
TP. Buôn Ma Thuột có hơn 47% dân số sống bằng nghề nông, vì thế nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong những năm qua, nhờ được quan tâm đầu tư, hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, TP. Buôn Ma Thuột đã xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp đặc trưng có giá trị kinh tế cao, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập.
Du khách từ Cà Mau đến tham quan vườn thanh long ở xã Cư Êbur. |
Có thể kể đến những mô hình nông nghiệp tiêu biểu của TP. Buôn Ma Thuột như: làng nai Cư Êbur (với quy mô hơn 2.100 con); làng thỏ Ea Tu (hơn 6.000 con); cà phê chồn Kiên Cường (phường Tân Tiến); các sản phẩm bơ trái DAKADO, Trịnh Mười; Câu lạc bộ cá lăng Hòa Phú (đang xây dựng thương hiệu); HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao; làng hoa cây kiểng Hòa Phú (đã có chủ trương của tỉnh về xây dựng làng nghề); trang trại nhân giống hoa phong lan bằng công nghệ sinh học nuôi cấy mô tại xã Hòa Khánh; các trang trại nấm dược liệu; mô hình vườn thanh long Cư Êbur (hơn 120 ha); hồ tiêu trĩu hạt xã Hòa Thuận (có vườn năng suất đạt 5-6 tấn/ha); na trồng xen cà phê tại Cư Êbur (diện tích 30 ha); các HTX rau VietGAP cùng nhiều trang trại trồng trọt, chăn nuôi công nghiệp quy mô nhỏ và vừa đang phát triển… Trong đó, một số sản phẩm đặc trưng đã khẳng định thương hiệu như: cà phê Kiên Cường (đặc biệt cà phê chồn) là sản phẩm thường xuyên được đặt hàng từ các nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hàn Quốc, Đan Mạch, Trung Quốc, kể cả Nhật Bản là quốc gia khó tính về chất lượng cũng đã chấp nhận sản phẩm cà phê chồn Kiên Cường; các sản phẩm bồi bổ sức khỏe từ thương hiệu “nhung nai Cư Êbur” đã được cả nước biết đến thông qua rượu nhung nai, rượu mật ong nhung nai, nhung nai sấy khô, nhung nai tươi, khô nai… Đặc biệt, các giống hoa phong lan nhân giống từ công nghệ sinh học ở Hòa Khánh đã được cung cấp đến nhiều tỉnh trong cả nước, kể cả thành phố hoa Đà Lạt cũng là khách hàng của sản phẩm này. Các loại trái cây như bơ, sầu riêng đặc sản, thanh long… đã có mặt tại các siêu thị lớn cả nước. Những sản phẩm đặc trưng đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân, góp phần tăng tỷ trọng giá trị kinh tế hằng năm của địa phương khi giá cả cây chủ lực (cà phê) nhiều năm qua không ổn định.
Các mô hình nông nghiệp nói trên đã thu hút một lượng lớn khách đến tham quan hằng năm. Hầu hết du khách đều ngỡ ngàng thích thú trước những sản phẩm “cây nhà lá vườn” của Buôn Ma Thuột. Bên cạnh việc tìm hiểu về quy trình, kỹ thuật sản xuất, trồng trọt, du khách nào cũng sẵn sàng mua các sản phẩm này về sử dụng và làm quà cho người thân. Qua đó cho thấy phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp từ những mô hình nông nghiệp nói trên là việc hoàn toàn có thể làm được ở TP. Buôn Ma Thuột.
Du khách thăm cơ sở nuôi chồn và chế biến sản phẩm cà phê chồn Kiên Cường. |
Tuy nhiên, trên thực tế mô hình nông nghiệp đặc trưng của địa phương hiện mới chỉ khai thác ở giá trị sản phẩm thuần nông, chưa khai thác đúng tiềm năng từ sự kết nối du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn. Du khách đến hầu hết đều thông qua đợt kết nối giao lưu, tham quan học tập của các đơn vị nhà nước từ các tỉnh bạn.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần quan tâm kết nối nông nghiệp sinh thái với du lịch nông thôn ở TP. Buôn Ma Thuột để vừa đáp ứng nhu cầu xã hội vừa tạo điều kiện phát triển bền vững ngành nông nghiệp của thành phố. Để làm được điều đó, ngay từ bây giờ, TP. Buôn Ma Thuột cần quan tâm đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ từ sản xuất đến chế biến sản phẩm chất lượng phục vụ du lịch; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp đô thị chuyên canh, các làng nghề nông nghiệp sinh thái phục vụ du khách; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống đường giao thông nội đồng để thuận tiện cho xe vận chuyển khách du lịch vào các khu vườn, trang trại nông nghiệp; chế biến đa dạng nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách du lịch; gắn kết việc giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hoạt động vui chơi, giải trí (tạo các trò chơi để tặng thưởng sản phẩm tại vườn)… lâu dài cần xây dựng nơi nghỉ ngơi, trải nghiệm để tạo cảm giác hứng thú, hấp dẫn giữ chân du khách; nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng trong giao tiếp, đưa đón khách du lịch của các chủ nhà vườn, trang trại, cơ sở giới thiệu sản phẩm; làm tốt công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp, các công ty lữ hành có tiềm năng... Trước mắt cần giúp nông dân xây dựng các tổ hợp tác, HTX, liên minh HTX, có đại diện cho các sản phẩm, mạnh dạn kết nối, hợp đồng liên kết với các công ty lữ hành trên địa bàn, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của cơ sở, bước đầu thông qua những du khách thích tham quan sinh thái nông nghiệp, qua các kênh thông tin đại chúng, đài truyền hình địa phương để giới thiệu các sản phẩm chất lượng đã có thương hiệu.
Được biết, trung tuần tháng 9-2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk khai trương một cơ sở giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, an toàn của tỉnh, trong đó có những sản phẩm của TP. Buôn Ma Thuột. Đây có thể coi là khởi đầu cho việc kết nối, giới thiệu sản phẩm của địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là du khách có cơ hội biết đến sản phẩm “cây nhà lá vườn” của Đắk Lắk.
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc