Thách thức mới của hàng Việt trên thị trường nội tỉnh
Tại các kênh bán lẻ và chợ truyền thống, hàng Việt đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ phía các nhãn hàng của Thái Lan… Điều này cũng đang đặt ra doanh nghiệp nội trước nhiều thách thức mới.
Trước đây, trên địa bàn tỉnh, hàng Việt được bày bán chiếm tỷ lệ cao tại Co.opmart Buôn Ma Thuột, gần đây có thêm Trung tâm thương mại VinCom Buôn Ma Thuột thuộc Tập đoàn Vingroup. Tuy nhiên, tại các kênh bán lẻ như chợ và cửa hàng nhỏ lẻ, hàng Việt đang bị chia thị phần bởi các sản phẩm của Thái Lan có chất lượng và giá khá bình dân, khiến hàng Việt đang vấp phải trở ngại lớn khi lên sạp cùng các nhãn hàng của nước này.
Nói về các sản phẩm ngoại có giá bình dân thì hàng Thái Lan khá được ưa chuộng và đang dần thay thế hàng Trung Quốc. Dạo quanh các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, không khó để bắt gặp các sản phẩm Thái Lan… chen chân vào các kệ hàng.
Theo một tiểu thương tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, 2 năm trở lại đây, hàng Thái Lan được bán khá nhiều trên các sạp hàng, từ bánh kẹo, mỹ phẩm, nước xả vải, bột giặt, quần áo, giày dép… và đang có sức ảnh hưởng lớn đối với nhiều người tiêu dùng (NTD). Những mặt hàng này có sự cạnh tranh tốt về giá bán, chỉ bằng hoặc hơn hàng nội khoảng vài ngàn đồng/sản phẩm. Riêng về phía người bán cũng muốn bán các mặt hàng này vì chiết khấu cao hơn hẳn so với hàng Việt.
Nước giải khát do Thái Lan sản xuất được bày bán đầy tại một cửa hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Nắm bắt tâm lý đó, thời gian gần đây, xu hướng kinh doanh hàng Thái cũng đang được mở rộng thêm bằng các cửa hàng bán lẻ và shop online ở TP. Buôn Ma Thuột. Tiếp cận thị trường không lâu nhưng hàng Thái đang dần trở thành “đối thủ” cạnh tranh gay gắt với hàng Việt. Chị Phan Thị Lê, chuyên kinh doanh hàng Thái trên đường Nguyễn Công Trứ cho biết, hàng Thái được bày bán khá đa dạng, từ dầu gội, bàn chải đánh răng, bột giặt, xoong, nồi, nước giải khát… và có lượng khách mua khá đông. Với nhiều NTD, hàng Thái cũng được ghi nhận là sản phẩm có uy tín về chất lượng.
Còn các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, dù đã có chiến lược ưu tiên cho các sản phẩm nội nhưng hàng ngoại nhờ mẫu mã đa dạng, lại cạnh tranh về giá cũng đang chiếm được cảm tình của NTD địa phương. Theo đại diện một siêu thị trên địa bàn thành phố, bánh kẹo, dầu gội của Thái Lan dù bày bán ở siêu thị với tỷ lệ thấp nhưng vẫn được khá nhiều NTD chọn mua.
Trên thực tế, nếu so về chất lượng thì nhiều sản phẩm hàng Việt như bánh kẹo của Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… cũng không thua gì hàng Thái, nhưng nhờ quảng bá, tiếp thị tốt, chiết khấu cao cộng với việc đưa ra nhiều mẫu mã, điều chỉnh hương vị phù hợp thị hiếu NTD khiến hàng Thái thu hút mạnh cả người bán lẫn người mua. Đơn cử như một hộp bánh quy của Thái Lan chất lượng tương đương sản phẩm do trong nước sản xuất nhưng giá lại mềm hơn và quan trọng hơn, có nhiều hương vị như hương dâu, kiwi, Việt quất… để NTD lựa chọn. Riêng ở dòng nước giải khát, sản phẩm của Thái Lan có nhiều loại như M-150, Carabao, Spark… giá cũng ngang tầm với hàng Việt nhưng có mùi thơm dịu, vị ngọt thanh chứ không ngọt gắt như một số sản phẩm nội.
Theo thống kê của Bộ Công thương, về lượng hàng nhập khẩu trong cả nước thì hàng Thái Lan đứng thứ hai, chỉ sau hàng Trung Quốc. Đồ dùng gia đình, hàng may mặc do Thái Lan sản xuất có mặt ở gần 9.000 chợ trên cả nước; hàng điện lạnh, điện tử chiếm 70%, riêng hoa quả chiếm 40% thị phần trong nước.
Có thể nói, sự “phủ sóng” của các nhãn hàng Thái thời gian qua đã giúp NTD có thêm nhiều lựa chọn nhưng cũng đang đặt ra cho hàng Việt một cuộc cạnh tranh mới. Trước thách thức này, các doanh nghiệp nội cần phải biết đề ra cho mình một chiến lược dài hơi hơn, trong đó phải chú trọng đến vấn đề giá cả, chất lượng, điểm bán hàng, chiết khấu thật phù hợp.... Quan trọng hơn, cần chủ động tiếp cận được với các điểm bán lẻ, nhất là tại các vùng nông thôn trong tỉnh để khai thác tốt thị trường tiềm năng vốn bị bỏ ngỏ này.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc