Thu nộp ngân sách sau thanh, kiểm tra: Vẫn chưa hết khó
Thanh, kiểm tra là một trong những công tác trọng điểm của ngành Thuế nhằm chống thất thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sau thanh, kiểm tra, việc thu nộp ngân sách đang là “bài toán” nan giải.
Phát hiện nhiều sai phạm
Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã kết luận và ban hành quyết định xử lý sau thanh tra 102 trường hợp, tiến hành 588 cuộc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Qua thanh tra đã truy thu và xử phạt vi phạm hành chính trên 27,8 tỷ đồng, giảm lỗ 10,9 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 4,65 tỷ đồng, truy thu và xử phạt hành chính trên 34 tỷ đồng và thu nộp ngân sách Nhà nước được trên 45 tỷ đồng.
Những số liệu trên cho thấy bên cạnh những doanh nghiệp (DN) có ý thức chấp hành pháp luật thuế, vẫn còn không ít DN, tìm mọi cách gian lận thuế, gây thất thoát lớn cho NSNN. Theo phân tích, hành vi vi phạm tuy không giống nhau nhưng lại có điểm chung là đều làm giảm số thuế phải nộp. Chẳng hạn, các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại thường có hành vi như bán hàng không xuất hóa đơn để số liệu tồn kho khống, xuất hóa đơn thấp hơn giá bán thực tế... Các DN xây dựng thường có những sai phạm như kê khai chậm doanh thu so với thời gian được nghiệm thu quyết toán hoặc kê khai doanh thu theo số tiền thực thu mà không khai theo giá trị quyết toán công trình, hạch toán và tính vào chi phí một số loại vật tư chính, nhân công với số lượng cao hơn định mức dự toán thiết kế kỹ thuật; sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc mua hóa đơn để hợp thức hóa chi phí… Trong khi đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lại phổ biến việc xây dựng định mức tiêu hao nguyên liệu quá cao so với các DN cùng ngành, nghề...
Còn nhiều “rào cản”
Không như trước đây, việc thanh, kiểm tra được thực hiện định kỳ mỗi 3 đến 5 năm, hiện nay chủ yếu thông qua hệ thống phần mềm phân tích, đánh giá xếp hạng tự động mức độ rủi ro dựa trên bộ tiêu chí đánh giá rủi ro bao gồm 20 tiêu chí tĩnh (áp dụng thống nhất tất cả các cục thuế) và các tiêu chí động (do từng cục thuế tự xây dựng phù hợp với thực tế địa phương theo gợi ý của Tổng cục Thuế). Bộ tiêu chí cho phép đánh giá rủi ro doanh nghiệp khá toàn diện (mức độ tuân thủ, biến động về kê khai thuế, lịch sử thanh, kiểm tra thuế, dấu hiệu chuyển giá, loại hình doanh nghiệp, tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh...). Do vậy, những DN có "vấn đề" liên tục bị đưa vào diện thanh, kiểm tra và một khi đã có "vấn đề" thì việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN sau thanh, kiểm tra là rất khó khăn. Một bất cập khác là sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan Thuế, Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước trong việc xử lý sau thanh, kiểm tra đối với giá trị mua vào của các đơn vị có liên quan đến hóa đơn bất hợp pháp. Cụ thể là Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Thuế ấn định chi phí tương ứng doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế. Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước không chấp nhận ấn định, mà loại luôn giá trị mua vào của các hóa đơn bất hợp pháp để xác định thu nhập chịu thuế khiến tiền truy thu và xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh tăng từ 5 tỷ lên đến 25 tỷ đồng. Do vậy một số đơn vị không đồng tình, dẫn đến khiếu kiện, một số DN không có khả năng thanh toán buộc cơ quan thuế phải cưỡng chế hóa đơn nên không tiếp tục kinh doanh được dẫn đến phá sản hoặc bỏ kinh doanh. Tuy nhiên khi ngành thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thì không khả thi hoặc đạt hiệu quả rất thấp do một số DN có số nợ thuế lớn, nhưng qua xác minh lại không có tài sản theo quy định để cưỡng chế.
Nguồn thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn đòi hỏi ngành Thuế phải nâng cao năng lực và nguồn lực cho hoạt động thanh, kiểm tra. Đặc biệt, để công tác thanh, kiểm tra thực sự mang lại hiệu quả, các cơ quan liên quan cần sớm tháo gỡ những bất cập nêu trên.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc