Về Cư Kuin xem nông dân làm giàu
Qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở Cư Kuin xuất hiện ngày càng nhiều những gương mặt mới, những điển hình nông dân tiêu biểu trong các lĩnh vực sản xuất.
Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sau 3 năm phát triển, ông Nguyễn Văn Bình (chi hội nông dân thôn Nam Hòa, xã Dray Bhăng) đã sở hữu một trang trại tổng hợp nuôi heo và trồng tiêu cho thu nhập hằng năm hơn 4 tỷ đồng đã trừ chi phí.
Trước đây, trên diện tích 6 ha, gia đình ông đầu tư trồng cao su, tuy nhiên do vùng đất không thích hợp nên năng suất không cao. Được tham dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, tham quan các mô hình chăn nuôi do Hội tổ chức, năm 2013, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư mở trang trại nuôi heo. Khu chuồng được chia thành nhiều dãy riêng biệt gồm: một dãy chuồng chăn nuôi heo nái, dãy nuôi heo đẻ và dãy heo thịt thương phẩm. Mọi khâu trong quá trình chăn nuôi đều khép kín với hệ thống máng ăn tự động.
Chị Phạm Thị Thanh (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. |
Để vật nuôi không bị mắc bệnh, ông Bình tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt vệ sinh môi trường, khử trùng tiêu độc. Hiện nay, trang trại có diện tích gần 2.000 m2, nuôi hơn 500 con heo, trong đó có khoảng 200 con heo nái; mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 200 tấn heo thịt và 4.000 heo con.
Gia đình chị Phạm Thị Thanh ở thôn Kim Châu cũng là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã Dray Bhăng. Trước đây hoàn cảnh gia đình chị khó khăn do đất đai ít, thiếu vốn sản xuất. Từ khi sinh hoạt Hội, được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp chị thay đổi cách nghĩ, cách làm và quyết định đầu tư nuôi gà đẻ trứng. Ban đầu, do vốn ít nên chị nuôi khoảng 200 con, khi quen việc thì mở rộng quy mô. Đến nay, chị Thanh đã có 1 trại nuôi với số lượng hơn 3.500 con gà. Trừ các chi phí, mỗi tháng chị thu lãi trên 30 triệu đồng từ bán trứng.
Chị Thanh cho biết, muốn nuôi gà cho hiệu quả kinh tế cao, trước hết phải chú ý đến khâu chọn giống. Để có giống tốt, chị đã đặt mua gà chuyên trứng Isa Brown của Công ty C.P Việt Nam, có đặc điểm ít bệnh, dễ nuôi và năng suất trứng cao. Chuồng nuôi gà được xây dựng hiện đại, theo quy mô công nghiệp với 3 dãy, mỗi lồng gà nhốt 4 con và được đánh số thứ tự để tiện theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, muốn gà đẻ đều, chất lượng trứng tốt thì thức ăn cho gà phải bảo đảm. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, tiêm phòng dịch đầy đủ, hiện nay năng suất trứng của đàn gà đạt trên 90%.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều nông dân đã nỗ lực vượt khó vươn lên thi đua lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, toàn huyện có trên 4.500 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều hội viên nông dân thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm như mô hình chuyên canh cây hồ tiêu của ông Nguyễn Xuân Hải (xã Ea Bhôk) và bà Nguyễn Thị Hoa (xã Ea Ning); mô hình chăn nuôi heo của gia đình bà Vũ Thị Thu Hương (xã Hòa Hiệp). Các mô hình xen canh giữa cà phê và nhiều loại cây trồng như bơ, sầu riêng tại các xã Hòa Hiệp, Cư Êwi đều cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cùng đồng hành với người nông dân có sự giúp đỡ rất lớn của Hội Nông dân huyện Cư Kuin. Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi luôn được Hội đặc biệt quan tâm. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Hội đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, trong đó tín chấp với các ngân hàng gần 80 tỷ đồng cho hội viên vay; tín chấp với Trạm vật tư nông nghiệp huyện vay hơn 500 tấn phân bón trả chậm cho nông dân; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tới hội viên để áp dụng vào sản xuất.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc