Multimedia Đọc Báo in

"Bản lĩnh" của một doanh nhân trẻ

10:01, 26/10/2016
Hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt, thế nhưng trong thời gian qua, Công ty TNHH vận tải ôtô An Phước đã tìm cho mình chỗ đứng vững chắc và không ngừng phát triển. Để “con thuyền An Phước” đi đến thành công không thể không kể đến khả năng “chèo lái” của vị giám đốc trẻ Phạm Đông Thanh.

Sinh năm 1970, nhưng dường như sóng gió thương trường đã khiến người đàn ông này già dặn hơn nhiều so với tuổi của mình. Anh Thanh kể, với đam mê kinh doanh, năm 2005 anh đã từ bỏ công việc Nhà nước đáng mơ ước với nhiều người để “ra riêng” khởi nghiệp giữa lúc ngành kinh doanh vận tải hàng hóa đang “nở rộ”, với hàng loạt hãng xe lớn, nhỏ ra đời tạo nên sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Thương hiệu mới ra đời trong bối cảnh đó khiến Công ty An Phước liên tục chịu thua lỗ, nhiều lúc anh phải bán cả tài sản cá nhân để bù lỗ cho công ty.  Thế nhưng, lúc khó khăn nhất cũng là lúc để anh thể hiện tối đa bản lĩnh của mình trên thương trường. Anh chia sẻ, thời gian đầu khởi nghiệp, anh xác định uy tín của doanh nghiệp (DN) là cốt lõi và con người là yếu tố quyết định. Do vậy, dù khó khăn anh vẫn luôn cố gắng bảo đảm thu nhập và cuộc sống cho công nhân của mình. Nhờ đó, DN cũng nhận lại sự sẻ chia của công nhân, họ có ý thức tốt hơn trong việc bảo quản xe, tiết kiệm nhiên liệu… giúp hạ giá cước vận tải của đơn vị xuống thấp hơn so với các hãng xe khác và dần “kéo” khách hàng về phía mình. Khó khăn kéo dài gần 2 năm rồi cũng tạm trôi qua. Những giai đoạn sau, công ty càng cần có uy tín lớn để thực hiện các hợp đồng quan trọng, duy trì các mối quan hệ đối tác.

Anh Phạm Đông Thanh cùng nhân viên đang kiểm tra lịch công tác của đội xe.
Anh Phạm Đông Thanh cùng nhân viên đang kiểm tra lịch công tác của đội xe.

Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển mạnh mẽ, những năm gần đây ngành vận tải đã có dấu hiệu chững lại do thị trường có dấu hiệu bão hòa, hàng hóa vận chuyển ngày càng ít do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Thế nhưng Công ty An Phước vẫn giữ được đà phát triển của mình. Để ổn định sản xuất và ứng phó với tình hình mới, công ty đã có những điều chỉnh về phương án kinh doanh phù hợp. Trong đó, công ty luôn duy trì tốt chính sách chăm sóc khách hàng, cùng chia sẻ khó khăn với họ như giữ ổn định giá cước vận chuyển trước biến động tăng của giá xăng dầu hay trước quy định về tải trọng… Nhờ đó, đến nay công ty vẫn là đơn vị vận chuyển hàng thường xuyên cho những khách hàng lớn như Công ty CP Cà phê Louis Việt Nam, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9, Công ty Cổ phần CP Việt Nam…

Trên đà thành công đó, đầu năm 2016, Công ty An Phước đã đưa vào hoạt động Trung tâm dịch vụ Logistics An Phước nhằm thực hiện các công đoạn: nhận và giao hàng, xếp dỡ đóng gói, dịch vụ vận chuyển, lưu kho, bãi, thủ tục hải quan... Với việc trở thành đơn vị đầu tiên của Đắk Lắk hoạt động trong lĩnh vực Logistics đã chứng minh một bước tiến mới của DN này. Hiện công ty đang thực hiện tái cơ cấu hệ thống xe mà mới đây nhất là việc trang bị 6 xe tải trọng lớn FUSO (Nhật Bản), tạo nên một đội xe hùng hậu với 70 đầu xe tải các loại. Cùng với sự phát triển của DN, đời sống của người lao động trong công ty cũng dần được cải thiện. Hơn 100 công nhân thường xuyên của công ty luôn được bảo đảm thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng và phần lớn trong số này đã được bảo đảm các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, y tế.

Năm 2016, Công ty An Phước phấn đấu đạt doanh thu ít nhất 70 tỷ đồng. Đây là con số hoàn toàn khả thi bởi tính năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của doanh nhân Phạm Đông Thanh. Với chiến lược đúng đắn, tin rằng công ty sẽ còn vươn xa hơn nữa trong thời gian tới.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.