Đất rừng dễ mất, khó… thu hồi
Trên địa bàn tỉnh hiện có 50.975 ha rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, trong đó diện tích bị phá, lấn chiếm trước năm 2008 là 24.503 ha, từ năm 2008 đến nay là 26.471 ha. Để cưỡng chế, thu hồi và trồng mới rừng trên diện tích đất này đang là “bài toán” nan giải đối với các ngành chức năng.
Thực hiện Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 16-3-2012 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý vi phạm về phá rừng, các chủ rừng đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, qua đó xây dựng phương án thu hồi để trồng lại rừng.
Khó thu hồi
Tuy nhiên, việc thu hồi diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nên diện tích thu được rất hạn chế so với diện tích đã mất. Đơn cử như huyện Krông Bông, địa phương có diện tích rừng bị lấn chiếm hơn 17.000 ha, nhưng mới chỉ thu hồi được 1,8 ha tại Tiểu khu 194, xã Hòa Sơn. Còn tại huyện M’Đrắk, có hơn 1.247 ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép nhưng đến nay mới thu hồi được hơn 30 ha.
Rừng bị người dân lấn chiếm trồng ngô, sắn ở huyện Ea H’leo. |
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, trong thời gian qua huyện cũng đã tập trung rà soát, thống kê đất rừng bị lấn chiếm trái phép, tiến hành cưỡng chế, thu hồi. Tuy vậy, kết quả đạt được vẫn rất khiêm tốn vì các đối tượng lấn chiếm kích động, tụ tập đông người để chống đối, cản trở lực lượng chức năng. Điển hình như vụ việc diễn ra vào sáng 6-7-2016, khi lực lượng liên ngành huyện Ea Súp tiến hành kiểm rừng tại tiểu khu 286, do xã Cư M’lan quản lý, phát hiện một hộ dân lấn chiếm trái phép 1,7 ha để trồng điều và lập biên bản xử lý. Trong lúc anh Huỳnh Ngọc Vinh (cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp) đang tiến hành lập biên bản xử phạt, thì bất ngờ bị một người đàn ông trong nhóm lấn chiếm đất vung dao chém vào người khiến anh bị thương.
Nhiều hệ lụy
Theo ông Lê Văn Ba, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk, việc thu hồi đất rừng rất khó, vì chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn nên phải làm từ từ, chứ thu hồi ồ ạt sẽ tạo ra những điểm nóng về tranh chấp. Ông Ba dẫn chứng: Trên địa bàn có Xí nghiệp giấy Tân Mai bị người dân lấn chiếm khoảng 800 ha đất, việc thu hồi gặp nhiều khó khăn buộc công ty phải thỏa thuận với các hộ dân liên kết trồng rừng trên diện tích đất bị lấn chiếm sau đó ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận.
Không thu hồi được đất rừng lấn chiếm đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Để thực hiện việc cấp đất sản xuất cho 281 hộ theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015, UBND huyện Buôn Đôn làm các thủ tục khai hoang đất tại tiểu khu 439 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn. Tuy nhiên, khi triển khai, phần lớn diện tích ở đây đã bị người dân lấn chiếm trái phép. Dù địa phương đã lập nhiều đoàn vận động người dân trả lại đất vẫn không thu hồi được, buộc huyện phải xin UBND tỉnh cho phép chuyển từ hỗ trợ đất sản xuất sang các hình thức hỗ trợ khác.
Cưỡng chế, thu hồi đã khó nhưng việc quản lý những diện tích đất sau khi thu hồi để trồng lại rừng, tránh tái lấn chiếm còn khó hơn. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh đã thu hồi được 106 ha đất rừng bị lấn chiếm để trồng lại rừng, nhưng khi cây con mới xuống giống thì liên tục bị người dân chặt phá. Tương tự, Công TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm giải tỏa, thu hồi được 65 ha đất khi trồng lại rừng bị phá 34 ha…
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, tiến độ thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép chậm là do chủ rừng, UBND cấp huyện và cơ quan chức năng chưa phối hợp chặt chẽ với nhau, hầu hết mới chỉ dừng lại ở thống kê, lập phương án; một số thống kê chưa chính xác, nhất là việc phân loại hiện trạng thực tế và xác định đối tượng đang canh tác trên diện tích lấn chiếm; phương pháp chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, lập căn cứ pháp lý để giải tỏa, cưỡng chế thiếu đồng bộ; chủ rừng, địa phương thiếu kinh phí để trồng, chăm sóc và bảo vệ diện tích đất thu hồi để lại rừng… |
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc