Multimedia Đọc Báo in

Đừng để "xương sống" bị yếu

09:31, 26/10/2016

Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa được xem là “xương sống” của nền kinh tế nước ta nói chung, Đắk Lắk nói riêng, nhưng thành phần kinh tế này đang gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Theo số liệu của ngành Thuế tỉnh, từ đầu năm đến nay, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh chỉ mới đạt 55% dự toán năm 2016. Mặc dù đã được báo cáo là tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2015 (tương ứng tăng 28 tỷ đồng), thế nhưng số tăng này phần lớn chỉ đến từ một “điểm sáng” duy nhất là Công ty cà phê Trung Nguyên (tăng 10 tỷ đồng), còn lại là đến từ việc thực hiện điều chỉnh tăng mức thuế đối với hộ khoán (toàn ngành tăng 37%) và từ Công ty Anh Minh (nộp theo kết luận thanh tra của Tổng cục Thuế  6,8 tỷ đồng). Số thu còn lại chủ yếu đến từ các khu vực khác như DN có vốn đầu tư nước ngoài, thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ... Rõ ràng nguồn thu từ DN nhỏ và vừa, động lực phát triển của “cỗ máy” kinh tế, đã không được như kỳ vọng.

Tiếp xúc với nhiều chủ DN, có thể thấy những nguyên nhân khác nhau khiến công việc kinh doanh của họ chưa được như ý. Nhưng có một điểm chung đáng chú ý là rất nhiều DN mong muốn được kinh doanh trong một môi trường bình đẳng, minh bạch. Nhiều DN có tiềm lực mạnh, chiến lược kinh doanh tốt, nhưng khó “chen chân” được vào các dự án họ nhắm đến; đơn cử như trong lĩnh vực công nghệ - thông tin, hầu hết các dự án lớn đều do DN ngoài tỉnh thực hiện… Nhiều lần như vậy, nhiều DN đành chuyển hướng, chuyển địa bàn kinh doanh. Hệ quả là số DN của tỉnh đã ít, yếu lại càng yếu và ít dần đi.

Gần đây Đắk Lắk đã có những động thái nhất định để hưởng ứng chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ. Và tỉnh cũng đã xác định yếu tố chính, tạo đòn bẩy trong tổng thể nền kinh tế của mình vẫn là DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, để loại hình DN này phát triển bền vững, không chỉ đơn giản là mở cửa nền kinh tế mà song song đó còn cần sự hỗ trợ nhiều mặt như cơ chế chính sách, đào tạo nhân lực, tín dụng... và phải được thể hiện bằng hành động thiết thực, cụ thể từ tất cả các cấp, ngành, địa phương. 

Nam Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.