Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Khổ vì chồng chéo địa giới hành chính

09:48, 24/10/2016

Từ nhiều năm qua, công tác quản lý nhân khẩu, đất đai tại thôn Tân Sơn, khu vực giáp ranh giữa xã Ea Đrơng và thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) bị chồng chéo, bất cập đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của bà con nơi đây.

Ông Nguyễn Xuân Diện, Chủ tịch UBND xã Ea Đrơng cho biết, thôn Tân Sơn hiện có 153 hộ dân với 639 khẩu. Toàn bộ diện tích đất của thôn trước đây là của Công ty 53, thuộc Binh đoàn 12 (đứng chân trên địa bàn huyện Cư M’gar) chia cho các hộ công nhân làm nhà ở và canh tác cà phê (diện tích đất hiện chưa thống kê rõ). Ngoài ra, các hộ dân nơi đây còn được Công ty 53 kê khai làm sổ hộ khẩu tại xã Ea Đrơng, thành lập thôn mới gọi là thôn Tân Sơn. Đến khoảng năm 2010, Công ty 53 giải thể và bàn giao toàn bộ đất sản xuất cho Công ty TNHH MTV Cà phê 15 quản lý, còn lại đất của người dân thôn Tân Sơn được bàn giao về cho địa phương, trong đó, thị trấn Ea Pốk quản lý khoảng 70%, xã Ea Đrơng quản lý 30% diện tích đất của thôn.

Không có sổ đỏ, gia đình bà Nguyễn Thị Xuân không vay được vốn ngân hàng để phát triển sản xuất.
Không có sổ đỏ, gia đình bà Nguyễn Thị Xuân không vay được vốn ngân hàng để phát triển sản xuất.

Những bất hợp lý trong việc bàn giao địa giới hành chính đã khiến cuộc sống người dân đối mặt với muôn vàn khó khăn. Xã Ea Đrơng quản lý một phần nhỏ diện tích đất và toàn bộ nhân khẩu của thôn Tân Sơn. Phần đất này đã được xã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) nên việc sản xuất, đời sống của bà con đã cơ bản ổn định. Còn phần đất thuộc địa giới của thị trấn Ea Pốk thì vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Chị Trịnh Thị Oanh, một người dân trong thôn bức xúc: “Nhiều năm nay, cuộc sống của người dân thôn Tân Sơn gần như bị chính quyền địa phương lãng quên. Chúng tôi không được quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ngoài trục đường chính trong thôn dài khoảng 4 km do Công ty 53 đầu tư trước đây, còn lại các tuyến đường xóm trong thôn, đường điện, trường mầm non trong thôn cũng do bà con nơi đây tự đóng góp xây dựng 100%...”. Còn bà Nguyễn Thị Xuân thì than thở: “Những vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai đã khiến cuộc sống của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Bà con muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất cũng không có sổ đỏ thế chấp, sang nhượng đất để có vốn làm ăn thì không ai dám mua… Nhiều năm liền, chúng tôi kiến nghị lên huyện, trong các buổi tiếp xúc cử tri… nhưng đến nay vẫn không thấy giải quyết”.

Bức xúc của người dân Tân Sơn cũng đã được ông Hứa Chấn Trí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới (NTM) huyện Cư M’gar xác nhận: Do vốn đầu tư xây dựng NTM hằng năm cấp về địa phương ít nên huyện chủ yếu chỉ tập trung đầu tư cho các xã điểm hoặc các xã có khả năng sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Riêng với thôn Tân Sơn thì nhiều năm nay huyện cũng chưa có vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc các vốn lồng ghép khác vì địa giới hành chính chưa rõ ràng...

Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Lắk, ông Lê Minh Hòa, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Cư M’gar cho biết, thôn Tân Sơn nằm trong khu vực triền đồi, bao quanh bởi dòng suối lớn, không có đường đi qua thị trấn Ea Pốk (muốn đến trung tâm thị trấn, bà con phải đi qua 2 xã Ea Đrơng và xã Quảng Tiến, cách khoảng 12 km). Trong khi đó thôn này chỉ cách trung tâm xã Ea Đrơng khoảng 1 km, đường sá đi lại thuận tiện, nên nhiều năm nay, bà con trong thôn chủ yếu vẫn sinh hoạt, giao thương tại xã Ea Đrơng. Trên thực tế, do địa bàn cách trở nên nhiều năm nay, thị trấn Ea Pốk cũng không quản lý đất đai tại thôn Tân Sơn.

 
Bà con muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất cũng không có sổ đỏ thế chấp, muốn sang nhượng đất để có vốn làm ăn thì không ai dám mua…
 
Bà Nguyễn Thị Xuân

Như vậy, rõ ràng phần lớn diện tích đất tại thôn Tân Sơn đang bị thả nổi, không ai quản lý. Bởi theo ông Nguyễn Xuân Diện, Chủ tịch UBND xã Ea Đrơng khẳng định thì: “Xã Ea Đrơng cũng không quản lý phần đất trong thôn Tân Sơn thuộc địa giới hành chính của thị trấn Ea Pốk”.

Ông Lê Minh Hòa thông tin thêm: Trước đây, các phòng chức năng của huyện đã thành lập đoàn khảo sát liên ngành, họp lấy ý kiến người dân và chính quyền địa phương xã Ea Đrơng, thị trấn Ea Pốk, tất cả đều thống nhất ý kiến nên giao về cho xã Ea Đrơng quản lý. Phòng Nội vụ huyện cũng nhiều lần gửi văn bản lên ngành chức năng tỉnh sớm đưa ra hướng giải quyết cụ thể việc chồng chéo về địa giới hành chính tại xã Ea Đrơng và thị trấn Ea Pốk, đề xuất Trung ương điều chỉnh cho hợp lý, tránh hệ lụy lâu dài. Tuy nhiên, kiến nghị này đến nay vẫn chưa được giải quyết.  

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc