Multimedia Đọc Báo in

Nếu người tiêu dùng biết... không im lặng!

14:25, 28/10/2016

Thường ngày, chuyện người tiêu dùng (NTD) mua phải hàng kém chất lượng hay bị lỗi kỹ thuật không phải là hiếm, từ những sản phẩm nhỏ như hộp sữa, gói bún khô đến chiếc điện thoại, phụ tùng ô tô… Song nhiều người trong số đó thường không có ý định khiếu nại mà nín nhịn bỏ qua, hoặc phản ứng bằng cách “tẩy chay” không bao giờ sử dụng sản phẩm đó nữa.

Theo kết quả khảo sát nhận thức của NTD về bảo vệ quyền lợi của mình do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa công bố mới đây, thực phẩm, nước giải khát là nhóm hàng hóa chiếm tỷ lệ vi phạm quyền lợi NTD lên đến 19,69%; đồ điện tử gia dụng 13,05%; hàng hóa tiêu dùng thường ngày 12,88%. Điều này cho thấy thực trạng vi phạm quyền lợi NTD đang diễn ra khá phổ biến. Đáng nói hơn, cũng từ kết quả cuộc khảo sát này cho thấy, có tới 44% số người được hỏi đều chọn phương án “im lặng” và bỏ qua vụ việc khi bị xâm phạm về quyền lợi khi mua hàng hóa. Do đó, chính sự im lặng này càng làm cho hàng kém chất lượng có cơ hội bành trướng ra thị trường, vô tình “tiếp tay” cho doanh nghiệp (DN) thiếu trách nhiệm tiếp tục lộng hành.

Tuy nhiên cũng cần nói lại, hàng kém chất lượng có nhiều nguyên nhân: do nhà sản xuất, hoặc quá trình vận chuyển đến tay các đại lý, cửa hàng phân phối không được bảo quản tốt nên chất lượng cũng bị ảnh hưởng. Việc NTD im lặng bỏ qua dẫn đến hệ lụy không chỉ bản thân bị mất quyền lợi mà DN làm ăn chân chính cũng có thể đã bị vạ lây. Nếu như NTD tìm đến cơ quan chức năng hoặc liên hệ với phía cung cấp để làm rõ nguyên nhân, đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình, thì đây cũng là dịp nhà sản xuất kiểm tra lại quy trình sản xuất – vận chuyển – bảo quản, qua đó phát hiện khâu lỗi để tìm cách khắc phục, lấy lại uy tín cho thương hiệu... .

Lợi cả đôi đường, nếu người tiêu dùng biết... không im lặng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc