Multimedia Đọc Báo in

Nông dân huyện Lắk ồ ạt bỏ lúa trồng khoai

06:23, 22/10/2016

Nhận thấy cây khoai lang tím Nhật Bản mang lại thu nhập cao, thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân ở huyện Lắk đã chuyển đổi hàng trăm héc-ta đất trồng lúa sang trồng khoai..

Cây trồng “siêu lợi nhuận”?

Theo kế hoạch sản xuất vụ đông-xuân 2015-2016, huyện Lắk gieo trồng khoảng 150 ha cây khoai lang tím Nhật Bản. Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện, đến thời điểm này, diện tích trồng khoai  đã vượt gần 4 lần so với kế hoạch .

Một trong những lý do chính dẫn đến sự gia tăng đột biến này là do vụ đông-xuân 2014-2015, cây khoai lang được mùa, được giá, cây lại có khả năng chịu hạn cao hơn lúa.

Gia đình anh Trần Quốc Tuấn (thôn Yên Thành 2, xã Đắk Nuê) bắt đầu trồng khoai lang Nhật Bản từ năm 2013 với diện tích 3 sào; sau khi thu hoạch cho thu lãi được gần 50 triệu đồng/vụ, cao hơn hẳn việc trồng lúa và trồng ngô lai. Do đó vụ đông-xuân này, anh đã trồng 5 ha khoai lang tại xã Bông Krang. Theo anh nhẩm tính, nếu mức giá mua tại ruộng như hiện nay (khoảng hơn 6000 - 7.000 đồng/kg), sau khi trừ chi phí còn lãi gần 150 triệu đồng/ha.

Cán bộ  Phòng  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk xuống đồng hướng dẫn người dân  gieo  trồng khoai.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk xuống đồng hướng dẫn người dân gieo trồng khoai.

 

 
Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân không tăng thêm diện tích theo kiểu tự phát bởi đầu ra bấp bênh, nên độ rủi ro cao. Hơn nữa, nếu chuyên canh mấy vụ khoai trên cùng 1 diện tích sẽ làm đất đai bạc màu, đến khi trồng lúa rất khó
 

Ông Trần Danh Hiệp, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk

Tương tự, gia đình ông Tô Văn Cảnh (thôn Hòa Bình 1, xã Đắk Liêng) có 1 ha đất trồng lúa. Do hạn hán kéo dài, trồng lúa không có nước tưới nên 2 năm gần đây ông cùng nhiều hộ khác chuyển sang trồng khoai lang. Vụ đông-xuân 2015-2016, gia đình ông tiếp tục xuống giống hơn 1 ha. “Đất đai trên địa bàn xã Đắk Liêng trải dài dọc sông Krông Ana nên rất màu mỡ, thích hợp cho việc trồng khoai lang. Chi phí mua giống, công chăm sóc, phân bón cho 1 ha khoai lang mất khoảng 50 triệu đồng, giá khoai chỉ cần ổn định ở mức từ 6000-7.000 đồng/kg là có lời rồi” - Ông Cảnh cho biết.

Anh Ma Khương (buôn M’Liêng 1, xã Đắk Liêng) sau một thời gian dài “chung thủy” với cây lúa, vụ đông-xuân năm nay cũng đã quyết định chuyển đất trồng lúa ở khu vực thiếu nước tưới sang trồng khoai lang. Theo anh Ma Khương, nếu trồng lúa phải sử dụng ít nhất 10.000 lít nước/ha/vụ, thì với khoai lang chỉ cần khoảng 3.000 lít/ha/vụ, thời gian sinh trưởng từ khi trồng đến lúc thu hoạch khoảng 3-4 tháng, không làm ảnh hưởng đến lịch gieo trồng lúa vụ kế tiếp. Đây được xem là loại cây trồng “siêu lợi nhuận”, cao gấp nhiều lần so với việc trồng lúa.

Bên cạnh những hộ có điều kiện về nhân lực và đất đai đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thì những hộ khác không có điều kiện về nhân lực nhưng sẵn ruộng có thể cho thuê đất trồng khoai lang với mức 3-4 triệu đồng/ha/vụ (tùy theo đất).

Cảnh báo rủi ro!

Trước sự gia tăng nhanh chóng của diện tích cây khoai lang, ngành nông nghiệp huyện Lắk đang lo ngại tình trạng “được mùa, mất giá”. Tuy nhiên, qua trao đổi với một số hộ trồng khoai lang, họ khẳng định không quá lo lắng bởi vì lợi nhuận từ cây khoai cao hơn cây lúa gấp 2-3 lần trên cùng 1 diện tích, nên nếu giá chỉ còn vài ngàn đồng 1 kg cũng có thể hòa vốn, thậm chí vẫn có lãi. Hơn nữa, gần đây thị trường tiêu thụ khoai lang của Việt Nam ở Nhật Bản rất ổn định. Trung Quốc cũng đang có nhu cầu rất lớn về sản phẩm khoai lang nên việc bà con mở rộng diện tích là có cơ sở!

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang khoai lang trên vùng đất khó khăn về nước tưới vào mùa khô hạn bước đầu cho hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, việc người dân đổ xô trồng khoai khiến diện tích tăng nhanh tiềm ẩn nhiều rủi ro vì đầu ra không ổn định, hoàn toàn phụ thuộc thương lái cả về giá cả, chất lượng, số lượng, tiêu chuẩn  khiến người sản xuất lúng túng.

Đến thời điểm này, người dân đã trồng 561 ha (đạt 375,5% kế hoạch), tập trung ở các xã: Buôn Triết (180 ha), Ea R’bin (156 ha), Đắk Nuê (112,8 ha), Buôn Tría (76 ha)… và con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

 

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.