Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên: Cần có những chính sách đặc thù
Để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, cần thiết phải có các cơ chế, chính sách phát triển đặc thù, dựa trên các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, phù hợp với điều kiện của vùng, phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường...
Đó là những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảo khoa học “Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng Tây Nguyên: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) vừa tổ chức.
Qua đánh giá của các nhà khoa học, nhà quản lý tại hội thảo, bên cạnh những thành tựu đạt được, Tây Nguyên đang đối mặt với những thách thức chủ yếu về chất lượng nguồn nhân lực, trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, y tế, chính sách văn hóa... Ông Dương Thành Trung (Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên) cho rằng, quá trình thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội của vùng từ năm 2000 đến nay vẫn hướng trọng tâm vào khai thác tài nguyên vì lợi ích kinh tế trước mắt, chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ tương tác giữa ba yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường. Thực trạng này dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững...
Nhiều đại biểu khác cũng nhận định, phát triển kinh tế của vùng chưa tương thích với phát triển xã hội, nhiều vấn đề xã hội ngày càng gay gắt, tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn: chính sách và thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội chưa giải quyết ổn thỏa các mối quan hệ về đất đai; phân hóa thu nhập và chênh lệch mức sống giữa các bộ phận dân cư ngày càng lớn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; phát triển kinh tế chưa phát huy và bảo tồn được văn hóa truyền thống mà ngược lại có nguy cơ ngày càng mai một và biến dạng; chất lượng nguồn nhân lực và trình độ của đội ngũ lao động thấp; cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở nông thôn còn nhiều khó khăn...
Đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội thảo. |
Theo PGS.TS. Trần Đức Cường (nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, xã hội; phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, quy hoạch đô thị hóa và chú trọng tới việc quản lý phát triển xã hội. Ở Tây Nguyên hiện nay, khoảng 70% dân số lao động trong khu vực nông nghiệp chưa qua đào tạo, làm việc dựa trên tri thức địa phương, vùng miền. Để nâng cao thu nhập cho người dân, cần phải mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đầu tư phát triển theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp cho người dân. Song song với đó cần phải đổi mới giáo dục đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của Tây Nguyên hiện nay và trong tương lai...
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức của địa phương, bà Lê Thị Thành (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk) cho biết: Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của Đắk Lắk còn khá cao, bên cạnh đó là vấn đề dân di cư ngoài kế hoạch tác động không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đây cũng là vấn đề khiến tỉnh phải đối mặt với nhiều áp lực về quy hoạch, phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, y tế, giáo dục… Do vậy rất cần có các chính sách đặc thù, nhất là ổn định dân di cư ngoài kế hoạch, giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, an sinh xã hội cho người dân. Cùng với đó cần tạo dựng thương hiệu; quản lý duy trì, phát triển chỉ dẫn địa lý về các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; tạo mối liên kết vùng trong thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, quản lý xã hội, khoa học công nghệ...
Bà
Lê Thị Thành
, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk.
|
Với những thách thức đặt ra, để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, hội thảo thống nhất đề xuất cần thiết phải có cơ chế, chính sách chung về liên kết vùng trên cơ sở xây dựng mô hình tăng trưởng mới, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm chung của toàn vùng, chuyển mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên, nội lực vùng, khép kín từng tỉnh sang trình độ và chất lượng phát triển cao.
Ngoài các chính sách chung của cả nước, các tỉnh Tây Nguyên cần thiết phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù về tăng cường nguồn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; thu hút đầu tư, tài chính, xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo tồn và phát triển văn hóa xã hội, đào tạo nguồn nhân lực và khoa học công nghệ; có cơ chế, chính sách quản lý ổn định xã hội dựa trên các thiết chế tự quản ở buôn làng kết hợp với chính sách đoàn kết dân tộc, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tình trạng đói nghèo, phát huy tính đa dạng và bản sắc văn hóa dân tộc...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc