Multimedia Đọc Báo in

Sắn rớt giá khiến nông dân lo lắng

09:29, 25/10/2016

Thời gian gần đây, giá sắn trên địa bàn huyện Ea Súp liên tục giảm khiến việc duy trì sản xuất loại cây trồng này của người dân gặp nhiều khó khăn. Nếu như ở đầu vụ, giá sắn tươi dao động từ 1.200 – 1.500 đồng/kg thì đến thời điểm thu hoạch, giá giảm chỉ còn 500 – 600 đồng/kg.

Sau nhiều tháng bỏ công sức, tiền bạc vào việc trồng sắn, giờ đây ông Trần Bình Trọng, thôn 6 (xã Cư M’lan) đang rất lo lắng khi giá sắn xuống thấp. Những năm trước, gia đình ông Trọng trồng đậu và ngô nhưng năng suất không cao. Đến năm 2015, ông trồng thử nghiệm 2 ha sắn, thu hoạch được 24 tấn/ha, với giá tại thời điểm đó, trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng/ha. Thấy việc đầu tư có hiệu quả, năm nay gia đình ông quyết định trồng thêm 5 ha sắn nhưng giá sắn đột ngột giảm mạnh khiến gia đình thất thu. Với giá bán sắn tươi tại ruộng chỉ còn 600 đồng/kg, sau khi trừ chi phí phân bón, nhân công… thì số tiền còn lại chỉ đủ bù vốn. Chị Lê Thị Hương (thôn 4, xã Ia R’vê) cám cảnh: “Những gia đình nào có ruộng sắn gần với đường giao thông thì mới dễ bán, còn ở vùng sâu thì dân phải tự vận chuyển ra ngoài mới bán được. Giá sắn thấp mà chi phí vận chuyển lại cao, khiến người dân bán cũng dở mà để lại cũng không xong”.

Giá sắn giảm, thiệt hại không chỉ đối với người trồng, mà cả những thương lái thu mua cũng gặp nhiều trở ngại. Ông Hoàng Văn Hinh, một thương lái thu mua sắn tại xã Ea Lê cho hay: Hai năm trở lại đây, thị trường đầu ra của các đơn vị sản xuất tinh bột trên địa bàn huyện đang bị thu hẹp làm cho công suất của các nhà máy chế biến sắn giảm mạnh, nhu cầu thu mua cũng giảm. Giá liên tục xuống thấp khiến thương lái cũng phải dè chừng trong thu mua. Bên cạnh đó, một số nông dân trồng sắn chưa quan tâm đến việc thâm canh tăng năng suất dẫn đến đất đai ngày càng thoái hóa, năng suất cây sắn ngày càng giảm, độ bột củ sắn ngày càng thấp. Vì vậy, việc người dân vừa bị thất thu về sản lượng, vừa chịu thua thiệt về giá cũng là điều khó tránh khỏi. 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, với đặc tính dễ trồng, ít tốn công sức nên sắn vẫn là cây trồng chính của nhiều nông hộ. Toàn huyện hiện có hơn 5.615 ha sắn. Vì thế, việc sắn liên tục rớt giá đang khiến người nông dân huyện Ea Súp lao đao.

 

Thu Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.