Tín hiệu vui từ mô hình "trẻ hóa" cây na trồng xen cà phê
Cây na (mãng cầu ta) trồng xen cà phê được người dân xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) thực hiện trong nhiều năm qua. Hơn 50% diện tích cà phê trồng xen cây na đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ người dân tộc thiểu số nơi đây.
“Trẻ hóa” cây na mang lại hiệu quả cao
Tuy nhiên, việc trồng và tiêu thụ na ở Cư Êbur vẫn chỉ là quá trình tự phát, nông dân tự mày mò ươm cây giống trồng xen trong cà phê để tăng thu nhập. Đến nay, hầu hết các diện tích vườn na ở Cư Êbur đã già cỗi, sâu bệnh phát triển mạnh nên năng suất và chất lượng thấp. Diện tích cà phê của xã Cư Êbur cũng bước vào thời kỳ già cỗi cần phải tái canh chiếm tỷ lệ cao.
Nông dân được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây na tại vườn na thôn 2, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: C. Lai |
Trước tình trạng đó, Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột phối hợp Trung tâm Phát triển nông thôn Tây Nguyên đã triển khai mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua phương pháp “trẻ hóa” và thụ phấn nhân tạo cây na trồng xen cà phê tại xã Cư Êbur dưới sự hỗ trợ của Sở Khoa học - Công nghệ. Được thực hiện từ giữa năm 2015 đến tháng 8-2016, mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Vườn na xen cà phê (với 120 cây na) của gia đình anh Y Thanh Êban (buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur) – một trong hai hộ thực hiện mô hình – xanh tốt sum suê, cho thu hoạch hơn 2,5 tấn quả. Với giá bình quân 10 nghìn đồng/kg, trừ các chi phí, gia đình anh Y Thanh có lãi hơn 16 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trồng na theo phương pháp truyền thống trước đây.
Thụ phấn nhân tạo để na cho quả chất lượng
Tại Đắk Lắk, cây na thường phân hóa mầm hoa vào tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau, ra hoa vào tháng 2 đến tháng 3. Thời điểm này là mùa khô, gió lớn nên việc thụ phấn tự nhiên thường gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, hoa na là hoa lưỡng tính (nhị đực và nhụy cái trên cùng một hoa) nhưng lại thụ phấn chéo bởi hoa cái thường có khả năng tiếp nhận hạt phấn trước từ 1-2 ngày lúc hoa đực tung phấn, thời gian thụ phấn ngắn nên nếu để hoa tự thụ phấn tự nhiên (nhờ côn trùng và gió) thì quả không đều. Vì thế, cần phải thụ phấn bằng tay cho na.
Cán bộ kỹ thuật (trái) hướng dẫn bà con nông dân thụ phấn nhân tạo cho na. |
Việc thu thập phấn hoa cũng là một phương pháp cần chú ý: Chỉ chọn hái những hoa sắp nở, cánh đã dài, màu trắng vàng, các cánh đã bắt đầu tách khỏi nhau, nhị đực đã bắt đầu chuyển sang màu trắng kem, bao phấn sắp nứt (chọn những hoa ở gần ngọn, đầu các cành nhỏ, khả năng đậu quả thấp) để lấy phấn. Hái xong cho hoa vào túi giấy đậy kín, để qua đêm cho hoa nở và phấn chín hoàn toàn. Sáng hôm sau đổ hoa ra đĩa khô, sạch, bỏ hết cánh hoa, rũ cho hạt phấn rơi ra, thu gom cho vào lọ thủy tinh hoặc đĩa có phủ vải lên trên để giữ ẩm rồi đem đi thụ phấn cho na.
Thời gian thụ phấn tốt nhất là từ 8-10 giờ sáng. Tốt nhất nên thụ phấn bổ sung cho na 2 lần cách nhau 1 ngày và chọn hoa để thụ phấn sao cho số hoa cách đều trên cành thì tỷ lệ đậu quả mới cao. Trong thời gian thụ phấn bổ sung không được phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, hạn chế tưới nước.
Thành công của mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua phương pháp “trẻ hóa” và thụ phấn nhân tạo cây na trồng xen cà phê tại xã Cư Êbur mới là bước đầu. Trong thời gian tới, cần hướng tới nhân rộng mô hình, tăng năng suất, chất lượng, sản lượng na, tạo thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Để làm được như vậy, rất cần sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà chuyên môn, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp đến đầu vào (hỗ trợ, đầu tư các vật tư thiết yếu, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thu hoạch) và đầu ra (bảo quản, kết nối tiêu thụ) cho sản phẩm quả na của nông dân…
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc