Multimedia Đọc Báo in

Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà với vốn vay ngân hàng?

09:32, 26/10/2016

Thời gian gần đây, các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực nhằm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, nhưng khả năng hấp thụ vốn, cùng những “rào cản” khác khiến cho tín dụng DN chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng.

Nỗ lực từ phía ngân hàng

Mặc dù thị trường đang vào giai đoạn cuối năm, nhưng từ đầu tháng 10 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã quyết định giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) là đơn vị đi đầu và có mức lãi suất cho vay DN thấp nhất hiện nay chỉ còn ở mức 5%/năm. Ngay sau đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã công bố giảm lãi suất 1%, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao cũ và mới về tối đa 6%/năm. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã công bố hạ 1%/năm đối với lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh các ngân hàng thương mại Nhà nước, một số ngân hàng thương mại cổ phần như HDBank, VIB, LienVietPostBank... cũng đã công bố biểu lãi suất cho vay giảm từ 1-1,5%/năm. Mới đây nhất, từ ngày 20-10, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã triển khai gói 3.000 tỷ đồng hỗ trợ DN với lãi suất đặc biệt  ưu đãi chỉ từ 6,8%/năm. Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong năm TPBank dành gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng DN. Theo đại diện TPBank Chi nhánh Đắk Lắk, với gói lãi suất ưu đãi này, TPBank hy vọng sẽ giúp DN có thêm điều kiện mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với việc hạ lãi suất, các ngân hàng cũng đã thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, tiết giảm thời gian, thủ tục để DN sớm tiếp cận được vốn vay. Giám đốc Agribank Đắk Lắk Trần Đình Chánh cho biết, bên cạnh chủ động hạ lãi suất cho vay, ngân hàng này cũng đã tích cực đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đặc biệt là nâng cao khả năng thẩm định của cán bộ tín dụng để nhanh chóng giải ngân cho DN, nhưng vẫn bảo đảm các quy định của pháp luật.

Đại diện các DN và Agribank Đắk Lắk ký kết hợp đồng tín dụng năm 2016.
Đại diện các DN và Agribank Đắk Lắk ký kết hợp đồng tín dụng năm 2016.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó

Hai yếu tố quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, quyền lợi của DN khi vay vốn ngân hàng là lãi suất và thủ tục cho vay đã và đang được các ngân hàng dần giải quyết. Thế nhưng, những nỗ lực đó vẫn chưa đủ để hoàn toàn tháo gỡ được “nút thắt” tín dụng cho DN. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, cho vay DN trên địa bàn tỉnh ước đạt 19.747 tỷ đồng, chiếm 31,3% tổng dư nợ toàn địa bàn; tăng 15,3% so với đầu năm với hơn 2.900 lượt DN vay vốn; tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là tốc độ tăng trưởng khá cao so với mặt bằng tăng trưởng tín dụng chung của cả nước, nhưng nhiều DN trên địa bàn tỉnh vẫn “khát” vốn. Mới đây, tại một hội nghị kết nối ngân hàng – DN, Giám đốc Công Ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk Lê Tiến Hùng cho biết, công ty vừa được Vietcombank nâng hạn mức tín dụng  từ 200-300 tỷ đồng, nhưng nếu có hạn mức cao hơn thì công ty sẽ chủ động hơn trong kinh doanh và dễ dàng nắm bắt thời cơ kinh doanh hơn. Bên cạnh việc nâng hạn mức tín dụng, ông Hùng cũng đề nghị các ngân hàng sớm có giải pháp để xóa bỏ nghịch lý lãi suất hiện nay là lãi suất cho vay ngắn hạn đang thấp hơn cho vay trung, dài hạn. Theo ông Hùng, việc lãi suất trung, dài hạn cao hơn mặt bằng chung lãi suất cho vay khiến DN không dám mạnh dạn đầu tư vào những lĩnh vực có tính chiến lược, lâu dài. Băn khoăn của ông Hùng cũng là băn khoăn chung của nhiều DN hiện nay.

Bên cạnh những DN có nhu cầu vốn cao nhưng chưa được đáp ứng, có một tình trạng đáng ngại khác là nhiều DN được phía ngân hàng cấp hạn mức cao, nhưng không sử dụng hết. Đại diện một DN kinh doanh công nghệ thông tin tại TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, chỉ những DN làm ăn hiệu quả mới nghĩ tới việc đi vay ngân hàng, mà số này hiện nay không nhiều. Cái mà DN bây giờ mong muốn không phải là lãi suất mà là cơ hội làm ăn, là đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy, dù lãi suất có hạ DN cũng không dám nghĩ tới vay ngân hàng khi sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả.

Rõ ràng, với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, DN còn chật vật, các ngân hàng dù nỗ lực “chọn mặt gửi vàng” để lưu thông dòng vốn, nhưng vấn đề đặt ra là khả năng hấp thụ vốn của các DN khi mà sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.  

Tại một hội nghị kết nối ngân hàng – DN, Giám đốc Chi nhánh Vietcombank Đắk Lắk Phạm Văn Phong cho biết, sở dĩ DN đang chịu lãi suất cho vay trung, dài hạn cao vì hiện nay hầu hết ngân hàng đang trong tình trạng huy động vốn ngắn hạn (do người dân có thói quen gửi tiền ngắn hạn), nhưng lại cho vay chủ yếu trung và dài hạn, nên rủi ro thanh khoản cao.

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.