Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện cây trồng: Địa chỉ tin cậy của nông dân

09:07, 28/11/2016

Sau gần nửa năm đi vào hoạt động, mô hình Bệnh viện cây trồng ở Đắk Lắk đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nông dân đến để được tư vấn miễn phí về phương pháp quản lý sâu bệnh cũng như các biện pháp kỹ thuật khác nhằm giảm thiệt hại do sâu bệnh, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất.

Từ tháng 7-2016 đến nay, được sự hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu sinh học nông nghiệp Quốc tế CABI với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai 5 bệnh viện cây trồng trên địa bàn, trong đó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk thực hiện 4 bệnh viện cây trồng, bước đầu hoạt động đã mang lại hiệu quả, được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nông dân ủng hộ. Ông Trịnh Minh Chức, xã Hòa An, huyện Krông Pắc kể: Năm ngoái vườn cà phê nhà ông bị rệp sáp tấn công. Ông tìm đến cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật mô tả hiện trạng, chủ cửa hàng bán cho thuốc gì thì sử dụng thuốc đó, thường kết quả đem lại không cao, nhiều lần tiền mất mà bệnh trên cây cà phê càng nặng thêm. Mới đây trên địa bàn huyện có Bệnh viện cây trồng, ông thường tìm đến nhờ tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc chính xác, phù hợp mà lại ít tốn kém hơn trước kia.

Bác sĩ tại Bệnh viện cây trồng huyện Krông Pắc đang “khám bệnh” cây trồng và tư vấn  cho nông dân.
Bác sĩ tại Bệnh viện cây trồng huyện Krông Pắc đang “khám bệnh” cây trồng và tư vấn cho nông dân.

 

 

Bệnh viện cây trồng là mô hình mới mà Đắk Lắk là tỉnh triển khai đầu tiên trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Các bệnh viện có chức năng phát hiện các loại sâu bệnh phổ biến trên cây trồng, hướng dẫn bà con cách phòng trừ và chữa trị… Hiện nay, các bệnh viện cây trồng hoạt động định kỳ vào các ngày 14 và 28 hằng tháng

 

 
Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh

Tính trong 3 tháng (từ tháng 7 đến tháng 9-2016) đã có 421 lượt người tham dự tư vấn tại các bệnh viện cây trồng ở các huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Pắc và thị xã Buôn Hồ. Các bệnh viện cây trồng đã tư vấn trực tiếp cho nông dân về cách phòng chống sâu, bệnh hại trên cây cà phê, hồ tiêu, rau, đậu đỗ, gừng, lúa, mía… Ngoài ra, đội ngũ “bác sĩ” của bệnh viện cây trồng còn tổ chức nhiều chuyến “khám bệnh” lưu động cho cây trồng, giúp nông dân nhận biết thực tế về bệnh trạng của cây, nắm bắt được phương cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả, ít tốn kém. Đặc biệt, mọi hoạt động của bệnh viện cây trồng đều được thực hiện miễn phí cho nông dân.

Theo bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, bệnh viện cây trồng là loại hình hoạt động mới của ngành Bảo vệ thực vật nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giúp người dân hạn chế tình trạng phun xịt thuốc bừa bãi, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nông phẩm. Tuy nhiên, mô hình bệnh viện cây trồng triển khai ở tỉnh còn gặp một số khó khăn nhất định, đó là: nhiều nông dân chưa biết đến bệnh viện cây trồng để đến nhờ tư vấn khám chữa bệnh cho cây trồng; số lượng bệnh viện còn ít (4/15 huyện, thị xã có bệnh viện cây trồng). Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, các bệnh viện chưa được đầu tư đầy đủ trang thiết bị...

Có thể thấy rằng, việc thành lập các bệnh viện cây trồng đã giúp nông dân Đắk Lắk có thêm một kênh tư vấn hỗ trợ kỹ thuật gần gũi, kịp thời; tạo điều kiện để nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Qua thời gian đi vào hoạt động cho thấy, đây là mô hình hiệu quả, là cầu nối giữa “bác sĩ” cây trồng với nhà nông. Đây cũng là cơ sở cho các trạm và Chi cục Bảo vệ thực vật nắm được tình hình sâu bệnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả tại các địa phương, từ đó góp phần tiết giảm chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.      

 

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc