Multimedia Đọc Báo in

Cho vay theo Quyết định 54 – Còn đó những khó khăn

12:29, 12/11/2016

Nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ngày 4-12-2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg về chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015. Sau gần 4 năm triển khai, hiệu quả của chương trình này trên địa bàn tỉnh không được như mong đợi.

Kết quả giải ngân thấp

Theo Quyết định 54, các hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn với thu nhập bình quân đầu người hằng tháng từ 50% trở xuống so với chuẩn hộ nghèo sẽ áp dụng chính sách vay vốn phát triển sản xuất với tổng mức vay 8 triệu đồng/hộ (có thể vay một hoặc nhiều lần), được áp lãi suất 0,1%/tháng (tương đương 1,2%/năm) mà không phải dùng tài sản để bảo đảm tiền vay và được miễn phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn. Thời hạn cho vay căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của hộ vay, nhưng tối đa không quá 5 năm và có thể được gia hạn thêm tối đa 5 năm nếu hộ vay còn thuộc diện đặc biệt khó khăn và tối đa 2,5 năm nếu hộ vay đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn nhưng chưa thoát nghèo theo chuẩn nghèo và còn khó khăn tạm thời. Tại Đắk Lắk, cho vay theo Quyết định 54 được triển khai từ tháng 12-2013 đến nay và được xem là một trong những nguồn vốn ưu đãi nhất đối với đồng bào DTTS nhưng từ đó đến nay, toàn tỉnh mới chỉ giải ngân được gần 18 tỷ đồng, với 2.267 hộ vay vốn (30,2% kế hoạch được giao). Trong khi đó, tổng số hộ DTTS đặc biệt khó khăn theo tiêu chí chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 được UBND các huyện phê duyệt trên địa bàn tỉnh là trên 9 nghìn hộ.

Hộ gia đình chị Sen (buôn Đắk Rleang 2, xã Ea Uy, huyện Krông Pắc) đang dần thoát nghèo nhờ vốn vay theo Quyết định 54.
Hộ gia đình chị Sen (buôn Đắk Rleang 2, xã Ea Uy, huyện Krông Pắc) đang dần thoát nghèo nhờ vốn vay theo Quyết định 54.

Cần sớm giải quyết những bất cập

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, nguyên nhân  cho vay thấp là do việc giao bổ sung chỉ tiêu giải ngân chậm (đến cuối năm 2015 mới được giao 55 tỷ đồng), nhưng lại áp dụng cho đối tượng vay thuộc chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 nên nhiều hộ đã không được vay theo Quyết định 54. Trên thực tế, qua các cuộc khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây, vấn đề đáng nói là nhiều địa phương đã có sự nhầm lẫn nên cho rằng, số tiền được vay quá thấp (8 triệu đồng) nên các hộ DTTS đặc biệt khó khăn đã tìm vay vốn theo các chương trình khác có hạn mức cao hơn. Trong khi đó, các quy định tại Quyết định 54 đã nêu rất rõ, khi vay theo Quyết định này, các hộ DTTS đặc biệt khó khăn vẫn được vay các nguồn vốn khác từ NHCSXH và ngược lại. Ngay cả các cấp chính quyền địa phương và NHCSXH cơ sở còn “mơ hồ” như vậy, nên người dân khó nắm bắt được chủ trương để đi vay, hoặc có biết nhưng ngại vay vì sợ sẽ không  vay được các nguồn vốn khác lớn hơn. Ông Hoàng Văn Chức (thôn Giang Đại, xã Ea Puk, huyện Krông Năng) cho biết, năm 2014 gia đình ông đã vay 8 triệu đồng theo Quyết định 54 để mua máy móc, bồn đựng nước phục vụ tưới tiêu cho vườn cây. Đến nay, do nhu cầu phát triển sản xuất, ông muốn vay thêm từ các chương trình khác của NHCSXH, nhưng lo ngại không vay được vì đang nợ vốn vay theo Quyết định 54. Qua thực tế này cho thấy, công tác tổ chức thực hiện, nhất là công tác tuyên truyền Quyết định 54 đến người dân đã không được NHCSXH cơ sở và các địa phương quan tâm đúng mức.

Trong khi đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn đang rất cần vốn để phát triển sản xuất thì nhiều NHCSXH ở một số huyện lại xin trả lại vốn do không thể giải ngân được. Như NHCSXH huyện Krông Năng xin trả hơn 1,4 tỷ đồng; NHCSXH huyện Krông Pắc có nguy cơ phải trả lại cho Trung ương gần 5,3 tỷ đồng…

Theo Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh H'Kim Hoa Byă, cho vay theo Quyết định 54 là một chương trình tín dụng thiết thực và mang tính nhân văn, do đó các địa phương cần khẩn trương rà soát, đánh giá lại nhu cầu để bảo đảm quyền lợi vay vốn của người dân. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức nhận ủy thác vốn vay NHCSXH cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của chính sách này, đồng thời hỗ trợ người dân sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.