Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp tiết kiệm điện trong canh tác thanh long

09:25, 15/11/2016

Thanh long là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế rất cao (lãi từ 200 - 250 triệu đồng/ha), cao gấp nhiều lần so với cây cà phê. Xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) hiện có 130 ha thanh long, mỗi năm cho thu hoạch gần 3.000 tấn quả, ước tính hiệu quả kinh tế mang lại cho nông dân có thể lên đến 25 tỷ đồng.

Năng suất thanh long Buôn Ma Thuột khá cao, có vườn đạt hơn 30 tấn/ha, không thua kém năng suất tại các vùng trọng điểm thanh long của tỉnh Bình Thuận.

Bài toán về chi phí điện năng trong sản xuất thanh long

Hiện nay, nông dân trồng thanh long thường sử dụng điện thắp sáng để kích thích thanh long ra hoa trái vụ nhằm tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, biện pháp này khiến người nông dân phải đối mặt với vấn đề về tổn thất điện năng, nhất là trong điều kiện thiếu điện vào mùa khô.

Ông Mai Sỹ Ánh là một trong những nông dân đầu tiên đưa cây thanh long từ Bình Thuận về trồng tại thôn 2, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) từ gần năm 10 trước. Mỗi năm, ông Ánh sử dụng điện để kích thích thanh long ra hoa hai đợt (đợt một từ đầu tháng 9, đợt 2 vào khoảng đầu tháng 2 năm sau), mỗi đợt từ 18 - 20 đêm, mỗi đêm thắp điện sáng từ 7 - 9 giờ (từ 20 giờ 30 đến 5 giờ 30 sáng hôm sau). Mỗi ha ông phải sử dụng 1.100 bóng đèn sợi đốt IL - 60W. Chi phí tiền điện cho mỗi ha lên đến 50 triệu đồng/năm. Chị Phạm Thị Ái, một chủ vườn thanh long ở thôn 2 (xã Cư Êbur) cho biết, gia đình chị có 1 ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 30 tấn thanh long, cho lãi 220 – 250 triệu đồng; nếu giảm được chi phí sử dụng điện thì nguồn thu nhập của gia đình sẽ cao hơn nhiều.

Vườn  thanh long của ông Mai Sỹ Ánh  (thôn 2,  xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột)  trong thời kỳ ra hoa  sau khi được  kích điện.
Vườn thanh long của ông Mai Sỹ Ánh (thôn 2, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) trong thời kỳ ra hoa sau khi được kích điện.

 Ước tính tổng số tiền mỗi năm người trồng thanh long tại xã Cư Êbur phải trả cho chi phí điện năng khoảng hơn 5 tỷ đồng/100 ha đang thời kỳ cho quả, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm. Chưa kể, việc sử dụng một lượng điện lớn sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động khác có sử dụng điện trên địa bàn thành phố, trong khi thời kỳ dùng điện kích thích ra hoa cho thanh long thường rơi vào mùa khô của Tây Nguyên – mùa thiếu điện.

Giải pháp tiết kiệm điện

Theo nghiên cứu, cây thanh long hấp thu ánh sáng đỏ và đỏ xa nên nông dân thường dùng bóng đèn tròn từ 75 – 100W. Ông Nguyễn Ngọc Anh Tú, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nha Trang phụ trách lĩnh vực nông nghiệp khoa học công nghệ các tỉnh miền Trung Tây Nguyên cho biết, hiện nay đơn vị đã nghiên cứu và sản xuất thành công bóng đèn chuyên dụng (CFL-20W NNR660 đỏ) cho cây thanh long. Loại bóng đèn chuyên dụng này đã được khoảng 10% nông hộ tại các vùng trồng thanh long trọng điểm ứng dụng vào sản xuất.

Với phương thức bố trí mật độ, vị trí bóng đèn hợp lý, việc sử dụng bóng đèn chuyên dụng CFL-20W NNR660 đỏ sẽ góp phần giảm điện năng rất nhiều mà vẫn bảo đảm cường độ ánh sáng trên lá, thuận lợi cho quá trình hấp thu ánh sáng đỏ để thanh long ra hoa, đậu quả.

 Khi so sánh với bóng đèn sợi đốt IL - 60W, công suất tiêu thụ của bóng đèn chuyên dụng CFL-20W NNR660 chỉ bằng 1/3 (20W) nhưng cường độ ánh sáng bằng nhau (0,5µmol/m2/s), khi bố trí bóng đèn cùng mật độ trên đơn vị diện tích, tuổi thọ trung bình của hai loại bóng này bằng nhau (6.000 giờ). Vì thế, điện năng tiêu thụ trong một năm trên một ha thanh long đối với bóng đèn chuyên dụng chỉ bằng 1/3 điện năng khi sử dụng bóng đèn sợi đốt. Tuy giá tiền bóng điện chuyên dụng đắt hơn (35 triệu đồng/1.000 bóng/ha) so với bóng đèn sợi đốt (5 triệu đồng/1.000 bóng/ha) song nếu tính toán thì chi phí sử dụng điện sẽ giảm hơn nhiều. Điều quan trọng, sử dụng loại bóng đèn chuyên dụng này sẽ tiết kiệm được 66% điện năng nhưng năng suất, chất lượng thanh long vẫn bảo đảm.

Bên cạnh giải pháp bóng đèn chuyên dụng, thiết nghĩ, để giúp nông dân giải quyết được bài toán chi phí điện năng trong sản xuất thanh long, các nhà quản lý, nhà chuyên môn, khoa học và doanh nghiệp cần liên kết hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình thí điểm, bố trí sử dụng điện hợp lý trên thanh long để đánh giá, lựa chọn mô hình hiệu quả nhất, khuyến cáo cho nông dân sản xuất thanh long nhân rộng trên địa bàn, tăng hiệu quả kinh tế.           

 

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.