Mô hình "trẻ hóa cà phê" hiệu quả
Tái canh cà phê đang đặt ra nhiều thách thức đối với nông dân Tây Nguyên, không chỉ là khó khăn về vốn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch hại mà còn là thu nhập trong thời kỳ vườn cây kiến thiết cơ bản. Tuy nhiên, trong thời gian qua, những người lính Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (Quân khu 5) đã tiên phong tìm ra cách làm sáng tạo, hiệu quả và phù hợp.
Tái canh dựa trên đánh giá chất lượng vườn cây
Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (gọi tắt là Công ty Cà phê 15) hiện có 742 ha cà phê, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Trong những năm qua, nhờ được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, áp dụng nhiều biện pháp kéo dài chu kỳ kinh doanh của vườn cây nên năng suất cà phê của Công ty vẫn thuộc tốp dẫn đầu vùng Tây Nguyên. Theo Đại tá Phạm Xuân Thảnh, Giám đốc Công ty Cà phê 15 cho biết, niên vụ 2015-2016, năng suất bình quân đạt 15 tấn quả tươi (tương đương 3,75 tấn nhân)/ha, cao gấp 1,7 lần năng suất bình quân vùng Tây Nguyên. Một trong những lý do khiến vườn cà phê của công ty giữ được năng suất cao, ổn định khi đã hết chu kỳ kinh doanh, là luôn bảo đảm nguồn nước tưới; áp dụng đúng quy trình sản xuất “cà phê sạch” theo Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, như hạn chế sử dụng hóa chất, duy trì môi trường sinh thái tự nhiên, sử dụng 100% phân bón là phân vi sinh do chính Công ty sản xuất…
Các già làng Tây Nguyên tham quan, trao đổi kinh nghiệm tái canh cà phê bằng phương pháp ghép chồi của Công ty Cà phê 15. |
Tuy nhiên, hiện nay có đến 705/742 ha cà phê có tuổi đời từ 20-25 năm - đã hết chu kỳ kinh doanh. Vì vậy, từ năm 2007, Đảng ủy, Ban Giám đốc công ty tính đến việc “trẻ hóa vườn cây”. Công ty tiến hành phân loại, xác định những diện tích cà phê năng suất thấp, tái canh trước, không tái canh ồ ạt trên diện tích lớn. Trong quá trình triển khai, Công ty chọn một số hộ công nhân có kỹ thuật cao làm điểm để nhân rộng. Đặc biệt, từ năm 2014, Đảng ủy Công ty có Nghị quyết chuyên đề “Tập trung cải tạo, lai ghép, tái canh trẻ hóa vườn cà phê” đề ra những mục tiêu, biện pháp, giải pháp cho từng năm; trong đó, mục tiêu tổng quát là từ 2015-2020, hoàn thành việc trẻ hóa 100% vườn cà phê già cỗi.
Sau khi phương án “trẻ hóa vườn cà phê” được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phê duyệt, trên cơ sở đánh giá chất lượng vườn cây, Công ty giao chỉ tiêu kế hoạch tái canh cho từng đội sản xuất. Cũng dựa trên chất lượng vườn cây, các đội lựa chọn phương pháp tái canh bằng cưa ghép cải tạo hoặc trồng mới. Nhằm bảo đảm chất lượng diện tích cà phê tái canh, Công ty lấy 16 bộ giống cà phê mới, có khả năng kháng bệnh, cho năng suất cao từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Công ty còn thành lập Ban Chỉ đạo chuyển giao kỹ thuật do Giám đốc làm trưởng ban và hình thành Đội tư vấn dịch vụ - kỹ thuật gồm những công nhân đã thực hiện thành công việc tái canh vườn cà phê cho năng suất cao để hướng dẫn kỹ thuật cho những công nhân khác.
Tuân thủ nghiêm kỹ thuật, rút ngắn thời gian luân canh
Từ năm 2007 đến 2015, Công ty Cà phê 15 cưa ghép cải tạo được hơn 70 ha; năm 2015 trồng mới 47,9 ha và đến thời điểm hiện tại cưa ghép cải tạo 24,3 ha, trồng mới 30,2 ha.
Cà phê tái canh bằng phương pháp ghép chồi cho năng suất cao ở Đội 5 (Công ty Cà phê 15). |
Nếu tái canh bằng phương pháp trồng mới, theo đúng quy trình thì phải phá bỏ vườn cà phê già cỗi, chuyển đổi sang trồng cây họ đậu 2 năm mới xuống cây giống. Tuy nhiên, nhờ áp dụng những biện pháp kỹ thuật cải tạo đất hữu hiệu, Công ty Cà phê 15 chỉ cho đất nghỉ 1 năm là có thể trồng mới. Thiếu tá Chu Đình Thành, Đội trưởng đội 12 cho biết: “Để rút ngắn thời gian luân canh từ 2 năm xuống còn 1 năm, sau khi nhổ bỏ cà phê già cỗi, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật, như: nhổ bỏ, thu gom sạch gốc, rễ cà phê già cỗi; trồng cây ngắn ngày 1 năm thì trước khi xuống cây giống, đơn vị tiến hành đào hố rộng, chất đầy nguyên liệu khô đốt nhằm khử sạch mầm bệnh trong đất”. Nhờ biện pháp này, năm 2015 đội 12 trồng tái canh được 38 ha, tỷ lệ cây sống đạt 93,5% (trong khi cùng trên địa bàn, các doanh nghiệp khác tái canh chỉ đạt khoảng 60% cây sống). Theo tính toán, chi phí đầu tư tái canh, chăm sóc 1 ha cà phê trồng mới khoảng 230-250 triệu đồng.
Trong quá trình cưa ghép chồi, đơn vị chỉ cưa những cành lựa chọn để ghép chồi mới; để lại những cành còn khả năng cho quả, đến khi chồi mới phát triển, phân cành, tỏa tán đi vào kinh doanh mới cắt bỏ dần cành cũ. Nhờ vậy, trong thời gian tái canh, vườn cây vẫn cho sản lượng khá ổn định. |
Đội 5 được Công ty Cà phê 15 chọn làm điểm tái canh cà phê bằng phương pháp cưa ghép cải tạo. Đến nay, đội 5 đã tái canh được 50/81 ha. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và được cung ứng bộ giống đã được công nhận nên hầu hết chồi ghép đến năm thứ 2 đã cho quả và năm thứ 3 đi vào kinh doanh. Theo tính toán, chi phí đầu tư tái canh bằng phương pháp ghép chồi cải tạo vườn cây là hơn 150 triệu đồng/ha, tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng so với tái canh bằng phương pháp trồng mới.
Ở Công ty Cà phê 15 còn nhiều điển hình trong tái canh cà phê bằng phương pháp cưa ghép cải tạo như các hộ công nhân Võ Thi (đội 3), Nguyễn Xuân Phương (đội 1), Đậu Văn Thiên, Nguyễn Văn Bình, Phan Thị Vui, Nguyễn Thị Trang, Trần Văn Giáp, Vương Ngọc và Trần Văn Hoa (đội 5)... Niên vụ cà phê 2015-2016 vừa qua, vườn cà phê tái canh bằng ghép chồi của các hộ này khi đi vào kinh doanh đã cho năng suất 20 tấn quả tươi/ha, tăng 5 tấn quả tươi/ha so với trước đây. Những công nhân này cũng được biên chế vào “Đội tư vấn dịch vụ - kỹ thuật” để hướng dẫn cho các hộ công nhân khác kỹ thuật tái canh cà phê bằng phương pháp ghép chồi.
Bình Định
Ý kiến bạn đọc