Niềm tin cho doanh nghiệp: Từ những cam kết của chính quyền
Cách đây 3 tháng, ngày 24-8 tại TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký bản cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Những cam kết mạnh mẽ, cùng với giải pháp, chương trình hành động hỗ trợ cụ thể của tỉnh được kỳ vọng sẽ khơi dậy niềm tin, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (DN)...
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch – Đầu tư, năm 2016, trong bối cảnh kinh tế trong nước tiếp tục gặp khó khăn, nội lực của đa số DN còn hạn chế nên một số DN trên địa bàn tỉnh đã phải giảm sản lượng; sản xuất cầm chừng hoặc phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng với sự nỗ lực của các DN, cùng những chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các đơn vị vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất. Trong 9 tháng, tuy có 483 DN giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh và ngừng hoạt động nhưng cũng có 517 DN dân doanh đăng ký mới (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước) với tổng số vốn đăng ký 2.171 tỷ đồng (tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước). Toàn tỉnh hiện có 6.237 DN đang hoạt động (55 DN nhà nước, 6.175 DN dân doanh, 7 DN có vốn đầu tư nước ngoài); 1.062 chi nhánh và 251 văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Cải cách TTHC là một trong những cam kết đang được chính quyền địa phương các cấp quyết tâm thực hiện. |
Bản cam kết cải thiện môi trường kinh doanh vừa mới được ký kết với hàng loạt mục tiêu cụ thể, từ cắt giảm thủ tục hành chính đến những cam kết thay đổi hành vi ứng xử của công chức… đang được hiện thực hóa bằng các chương trình hành động cụ thể, công khai và chấp nhận sự giám sát của cộng đồng DN.
Cùng với cải cách hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phục vụ DN; hỗ trợ mặt bằng, sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thông tin, xúc tiến thị trường, trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho DN khởi nghiệp, tỉnh đã tăng cường hoạt động đối thoại, lắng nghe, tiếp nhận các phản ánh của DN để kịp thời giải quyết các vướng mắc. Ngoài các hội nghị đối thoại được tổ chức định kỳ 2 lần/năm, hằng tuần, lãnh đạo tỉnh còn trực tiếp lắng nghe, gỡ khó cho từng nhà đầu tư, dự án cụ thể - đây chính là động thái để chính quyền ngày một gần hơn với cộng đồng DN.
Sự lớn mạnh của cộng đồng DN góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. DN cũng là một trong những lực lượng tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, xây dựng cộng đồng DN của tỉnh có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững với 10.000-12.000 DN hoạt động, trong đó 10% DN có quy mô vừa và lớn, chính quyền các cấp đang nỗ lực biến cam kết thành những hành động cụ thể, cải cách toàn diện trên các lĩnh vực. Như khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị trong rất nhiều hội nghị đối thoại DN, những giải pháp mà UBND đang quyết liệt triển khai: giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, giúp DN phục hồi sản xuất kinh doanh; tập trung, xử lý vướng mắc, tồn tại đối với các dự án được gia hạn; xem xét, thu hồi đối với các dự án không đầu tư, đầu tư không đúng mục đích hoặc không có hiệu quả để lành mạnh hóa môi trường đầu tư; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... cũng chính là giải pháp hiện thực hóa phương châm “đồng hành cùng DN” để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Đối với đơn giản hóa thủ tục hành chính, tỉnh cam kết chủ động rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa quy trình, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, hằng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ TTHC của người dân và doanh nghiệp: rút ngắn thời gian thủ tục tiếp cận điện năng xuống còn 35 ngày, cấp phép xây dựng 77 ngày, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản còn 14 ngày, thủ tục xuất khẩu 10 ngày, nộp thuế 120 giờ... |
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc