Multimedia Đọc Báo in

Sửa chữa công trình giao thông bị hỏng nặng do mưa lũ: Vẫn đang chờ vốn

11:54, 29/11/2016

Đợt mưa lũ đầu tháng 11 vừa qua, một số công trình giao thông trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa do phải chờ vốn.

Theo thống kê trong đợt mưa lũ vừa qua có 11 km đường, 10 cầu và 12 cống bị hư hỏng, phá hủy, thiệt hại ước tính gần 60 tỷ đồng. Trong đó, quốc lộ thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng, cụ thể: hư hỏng chủ yếu trên Quốc lộ 27 do sạt lở mái taluy, nước và đất từ các đường nhánh chảy tràn trên mặt đường, khối lượng đất, đá tràn ra mặt đường khoảng 34 m3 tại km36+050, km57+750; Quốc lộ 29 phát sinh nhiều ổ gà đoạn km113+600 - km134+00. Trong khi đó, thiệt hại trên các tuyến tỉnh lộ lên tới 23 tỷ đồng, trong đó, tỉnh lộ 12 nhiều vị trí bị lún lõm, nứt cống tại km3+020, đường đầu cầu Krông Kmar - km15+791, nón mố bị xói lở cầu km19+960, cầu km26+150; đường liên huyện Ea H’leo - Ea Súp, nhiều vị trí tắc giao thông do ổ gà sình lún, nước ngập sâu (đoạn km9+600 - km9+700, km11 - km12, km20+400 - km20+550, km24+600). Thiệt hại nặng nhất trên các tuyến đường tỉnh phải kể đến tỉnh lộ 9 có cầu Cư Păm đoạn km 21+050 trụ T2 bị lún sâu 1,72 mét, làm võng nhịp 2 và 3, gây tắc giao thông, thiệt hại trên tuyến khoảng 12 tỷ đồng.

Cầu Cư Păm trên tỉnh lộ 9 (huyện Krông Bông)  bị võng nhịp do ảnh hưởng của mưa bão.
Cầu Cư Păm trên tỉnh lộ 9 (huyện Krông Bông) bị võng nhịp do ảnh hưởng của mưa bão.

 

Sở GTVT cho biết, ước tính kinh phí để khắc phục hư hỏng trên các tuyến tỉnh lộ và đường huyện khoảng 80 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh lộ 9 khoảng 22 tỷ; tỉnh lộ 12 là 12 tỷ; đường liên huyện Ea H’leo – Ea Súp 7 tỷ đồng…

Đến nay các vị trí hư hỏng nhẹ trên các tuyến đường cơ bản được khắc phục, giao thông thông suốt, bảo đảm an toàn cho người dân đi lại. Đối với các công trình bị hư hỏng nghiêm trọng, việc sửa chữa, khắc phục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về kinh phí. Đơn cử như cầu Cư Păm được đưa vào khai thác từ năm 1980, đến nay kết cấu hạ bộ công trình đã bị xói lở, hệ dầm cầu bị võng. Tải trọng cho phép của cầu là 13 tấn, trong khi lưu lượng phương tiện, nhất là xe chở nông sản, cây nguyên liệu từ các vùng sản xuất đến các nhà máy rất lớn nên nguy cơ sập cầu là khó tránh khỏi. Hiện nay, giao thông vẫn bị chia cắt. Giải pháp trước mắt, UBND huyện Krông Bông bố trí phương tiện đường thủy để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân, kinh phí ước khoảng 30 triệu đồng, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị tỉnh hỗ trợ cho địa phương. Sở GTVT cũng đã có đề xuất UBND tỉnh sử dụng vật tư dự phòng tại sở để sửa chữa cầu, đồng thời xin chủ trương vừa thiết kế, vừa thi công nhằm hoàn thiện công trình trong tháng 12 năm nay. Đó chỉ là giải pháp tạm thời, về giải pháp lâu dài, do nguồn kinh phí lớn nên công trình này đã được UBND tỉnh đưa vào dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 9 trong danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 bằng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ.

Đường cứu hộ, cứu nạn xã Hòa Phong - Cư Pui (huyện Krông Bông) bị sạt lở.
Đường cứu hộ, cứu nạn xã Hòa Phong - Cư Pui (huyện Krông Bông) bị sạt lở.

Công trình cầu Buôn Trấp (huyện Krông Ana) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt lũ vừa qua. Cụ thể, đường bê tông, mái taluy đầu cầu đã bị sụt lún, đường dẫn từ đầu cầu về phía cánh đồng Tháng 10 bị nứt khoảng 40 cm, kéo dài hơn 100 mét. Được biết, công trình này mới nghiệm thu đưa vào sử dụng trong tháng 6 năm nay. Ông Lục Văn Toại, Giám đốc Ban Quản lý dự án (Sở GTVT) cho biết, các sự cố tại công trình cầu Buôn Trấp chưa được khắc phục sửa chữa, hiện sở đang tính toán dự trù kinh phí để trình UBND tỉnh phân bổ.       

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc