Multimedia Đọc Báo in

Thu hút đầu tư: Khi du lịch đi trước một bước

08:55, 27/11/2016

Mặc dù có tiềm năng rất lớn, nhưng thời gian qua việc thu hút đầu tư của Đắk Lắk đang gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh những yếu tố như cơ sở hạ tầng, ưu đãi đầu tư…, có một yếu tố ít được để ý, nhưng lại đóng vai trò quan trọng để các nhà đầu tư đặt chân đến Đắk Lắk, đó là du lịch.

Mới đây, tại Hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam – Nam Phi do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, có một thông tin rất đáng lưu tâm từ Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương là có đến 80% du khách quan tâm đến việc tìm kiếm cơ hội đầu tư khi đi du lịch. Vậy nên, địa phương nào càng thu hút được du khách, càng có cơ hội được các nhà đầu tư tìm đến. Quan điểm này trùng hợp với quan điểm của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh khi ông nhiều lần nhắc đến sự cần thiết phải sớm có được những khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Đắk Lắk để các nhà đầu tư lớn, các chuyên gia nước ngoài tìm đến với địa phương. Đối với giới đầu tư, nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng hẳn phải cao hơn so với du khách thông thường. Rồi đi kèm những dự án lớn là những chuyên gia cao cấp cần chỗ nghỉ dưỡng tương xứng sau những ngày làm việc. Đó là chưa kể đến xu thế đàm phán “bàn tròn” dường như đã không còn phổ biến mà thay vào đó là “đàm phán sân golf”…

Du khách quốc tế tham quan buôn Akô Dhông.
Du khách quốc tế tham quan buôn Akô Dhông.

Thế nhưng, nhìn lại thực tế, quả thực trên địa bàn tỉnh chưa hề có địa điểm du lịch nào đủ sức hấp dẫn để có thể giữ chân du khách, chứ đừng nói đến giữ chân những nhà đầu tư có “máu mặt”. Hiện toàn tỉnh có trên 20 điểm du lịch cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể có thể khai thác phát triển du lịch, nhưng du lịch còn chậm phát triển, chưa có những điểm đến và sản phẩm mang tính “đột phá”. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch của tỉnh tăng bình quân khoảng 10 đến 12%/ năm, song số lượng du khách lại rất thấp. Từ đầu năm đến nay, du lịch Đắk Lắk đón tiếp khoảng 478 nghìn  lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 45 nghìn lượt, khách trong nước khoảng 433 nghìn lượt. Có một đặc điểm đáng lưu ý là nguồn khách này phần lớn là khách công vụ, nghĩa là họ buộc phải đến để thực hiện công việc của mình. Với đối tượng khách như vậy, nếu ngành Du lịch đủ hấp dẫn để giữ chân họ, sẽ là rất tốt cho việc thu hút đầu tư.

Du khách cưỡi voi tham quan tại Khu du lịch Bản Đôn.
Du khách cưỡi voi tham quan tại Khu du lịch Bản Đôn.

Nói thì dễ, nhưng để có được những điểm du lịch có thể đáp ứng được nhu cầu cho khách hàng cao cấp, đòi hỏi phải có nguồn lực lớn, không thể làm được trong ngày một, ngày hai. Thế nhưng, theo ông Đoàn Duy Khương, Đắk Lắk hiện có những thế mạnh như nền văn hóa dân gian đặc sắc, bề dày truyền thống của nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng độc đáo đã nức tiếng khắp thế giới; thiên nhiên còn giữ được những nét hoang sơ… Trên nền tảng ấy, cần có các chương trình hỗ trợ đào tạo về dịch vụ, về ngoại ngữ, về đa dạng hóa sản phẩm du lịch do ngành du lịch hoặc chính quyền địa phương tổ chức. Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc giữ gìn bản sắc truyền thống, bảo vệ môi trường cũng là các yếu tố quan trọng để giữ chân khách, nâng cao tính cạnh tranh…  

Hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam – Nam Phi vừa tổ chức ở Đắk Lắk, bà Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Kgomotso Ruth Magau liên tục giới thiệu về một đất nước có nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Và thay vì đưa ra những dự án đầu tư hấp dẫn, bà Đại sứ lại mời gọi doanh nghiệp Việt Nam hãy đi du lịch tại Nam Phi. Rõ ràng, từ du lịch sẽ nảy sinh nhiều điều mới mẻ.

 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.