Bấp bênh nghề hoa tết
Gần tháng nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục xuất hiện nhiều đợt mưa lớn kéo dài khiến người trồng hoa, cây kiểng bán tết như “ngồi trên đống lửa”. Họ túc trực đêm ngày tại vườn, xem dự báo thời tiết để kịp thời đưa ra các biện pháp che chắn, chống ngập úng và cho hoa nở đúng dịp tết.
Hằng năm, cứ vào tháng 9 âm lịch, nông dân các phường Khánh Xuân, Ea Tam, Thống Nhất ở thành phố Buôn Ma Thuột lại tất bật đúc chậu, ươm trồng hoa tết. Các loại hoa trồng truyền thống là cúc vàng, cúc vạn thọ, hoa hồng, hoa lay ơn. Tuy nhiên cuối năm nay thời tiết nắng, mưa thất thường khiến người trồng phập phồng, lo âu.
Gia đình anh Trần Khoa ở khối 8, phường Khánh Xuân hiện đang trồng 500 chậu cúc vàng, 200 chậu cúc vạn thọ và 100 chậu hoa mồng gà cho biết, bây giờ đã cuối tháng 12 mà trời vẫn mưa dầm nên anh rất lo lắng. Bởi hiện tại, hoa nhà anh đang vào thời kì cho nụ, nếu mưa cứ kéo dài sẽ làm bộ rễ cây bị yếu, dễ dẫn đến hiện tượng vàng lá và chết yểu. Ngoài ra, mưa nhiều độ ẩm tăng cao, tạo cơ hội cho sâu bệnh phát triển hại cây trồng. Lo nhất là lúc cây nở hoa mà trời vẫn trút mưa thì hoa dập hỏng hết.
Những cây mai của nhà ông Hùng đã ra nụ. |
Anh Phan Mạnh Dũng ở phường Ea Tam hiện đang trồng 2 sào hoa lay ơn cũng “đứng ngồi không yên” vì loại hoa này rất nhạy cảm với thời tiết. Gần tháng nay mưa xuất hiện liên tục nên anh phải có mặt bên vườn 24/24 giờ để kịp thời thoát nước chống ngập úng cho cây. “Ăn thua ở nghề trồng hoa tết là phải nở đúng dịp, bán được giá. Nhưng năm nay trời mưa kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc ra hoa. Nếu chưa đến tết mà hoa đã nở thì coi như thất bại” – anh Dũng nói thêm.
Xã Hòa Thắng - nơi mười năm trước từng là vựa hoa mai, quất cảnh lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột - nay chỉ còn lác đác vài hộ trồng với số lượng giảm hẳn. Nguyên nhân là do thời tiết quá khắc nghiệt làm cây trồng bị chết hỏng khiến nông dân liên tục thua lỗ. Năm 2013 và 2015 nông dân ở đây bị mất mùa quất cảnh do đợt mưa dầm tháng bảy gây nên hiện tượng thối rễ, hoa không đậu trái, cây không bán được. Mùa tết 2016, người trồng lại rớt nước mắt, bất lực nhìn hoa mai đua nhau nở trước tết cả tháng vì mưa nắng đột ngột.
Ông Hồ Sỹ Hùng – người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề trồng hoa mai ở xã Hòa Thắng cho biết: Nghề trồng hoa mai rất phụ thuộc vào thời tiết nên chứa nhiều bấp bênh, may rủi. Dù được chăm sóc cẩn thận cả năm trời nhưng đến giáp tết trời mưa lớn rồi nắng to, mai sẽ nở bông sớm. Một khi mai đã xé nụ thì không có cách nào để hãm lại. Chi phí đầu tư cho vườn mai khá lớn. Bình quân mỗi gốc mai có giá tiền triệu trở lên, những gốc mai đẹp có thể lên đến vài chục triệu. Nếu mất mùa, chủ vườn lỗ nặng thậm chí mất cả vốn. Để tránh rủi ro, ngoài kinh nghiệm bản thân, ông Hùng còn thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để biết cách chăm sóc cây theo từng thời điểm. Dự đoán năm nay trời lạnh muộn, ông chủ động tiết chế cho cây ra nụ sớm hơn so với cùng kỳ năm trước để khi lạnh đến, mai vẫn nở kịp. Hiện vườn nhà ông Hùng đang có 300 chậu mai đã ươm nụ, sẵn sàng phục vụ dịp tết 2017.
Anh Quách Thùy Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thắng cho biết: Năm nay trên địa bàn xã rất ít người trồng hoa. Từ 20 hộ trồng giờ xuống còn vài hộ. Hội Nông dân khuyến khích người dân trồng các loại hoa ngắn ngày, làm theo đơn đặt hàng đảm bảo đầu ra. Các chủ vườn kiểng cần đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc cây sau Tết, không nên phát triển mạnh số lượng cây cảnh.
Với nghề trồng hoa tết, ngoài kỹ thuật trồng và chăm sóc thì phải được trời “thương” thì mới chắc thắng. Tết của người trồng hoa có sung túc, đủ đầy hay không trước hết phải… “trông trời, trông đất, trông mây”, câu ca dao mộc mạc, giản dị nhưng ngẫm rất hợp với người nông dân trong đó có người làm nghề trồng hoa, cây kiểng bán tết.
Huỳnh Thủy
Ý kiến bạn đọc