Multimedia Đọc Báo in

Bất an trên những tuyến đường xuống cấp

09:03, 20/12/2016

Do thời gian sử dụng lâu cùng với tình trạng xe quá tải, nhiều tuyến đường của tỉnh bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) cao.

Tỉnh lộ 3 dài 24 km, là tuyến giao thông huyết mạch nối huyện Krông Năng và Ea Kar hiện đã bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao cho người và các phương tiện khi lưu thông qua đây. Theo quan sát, có nhiều điểm mặt đường bong tróc, xuất hiện chi chít ổ gà. Đơn cử như đoạn qua xã Phú Xuân, mặt đường bị biến thành những hố nước lớn, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Được biết, tuyến đường này được xây dựng theo quy mô đường cấp IV miền núi, bề rộng mặt đường 5,5 mét. Trong giai đoạn 2006-2010 không được đầu tư nâng cấp cải tạo. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các tuyến đường tỉnh như Tỉnh lộ 1 đoạn qua huyện Ea Súp, Tỉnh lộ 5 đoạn qua huyện Buôn Đôn, Tỉnh lộ 9 đoạn qua huyện Krông Bông.

Mặt đường tỉnh lộ 3 đoạn qua xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) bị hư hỏng nặng.
Mặt đường tỉnh lộ 3 đoạn qua xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) bị hư hỏng nặng.

Còn tại tuyến đường liên xã từ trung tâm huyện đi các xã phía Nam của huyện Ea Kar gồm Cư Ni, Ea Kmút, Ea Ô, Cư Elang, mặt đường nhựa biến thành đường đất, lởm chởm ổ gà, tạo thành những cái bẫy hết sức nguy hiểm. Các phương tiện khi lưu thông qua đây đều phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất. Vào mùa mưa, không ít trường hợp bị té xe, xây xước chân tay, phương tiện hư hỏng. Ban Quản lý dự án huyện Ea Kar cho biết, tuyến đường này đưa vào sử dụng từ năm 2005, được làm theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, mặt đường rộng 3,5 mét, tải trọng cho phép 13 tấn. Hiện nay, một số đoạn qua xã Ea Kmút mặt đường nhựa hầu như bong tróc hoàn toàn, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đây là tuyến đường liên xã nên số phương tiện xe tải nặng vận chuyển nông sản, vật liệu lưu thông nhiều khiến đường thêm hư hỏng.

Nước choán hết mặt đường tổ dân phố 3, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột).
Nước choán hết mặt đường tổ dân phố 3, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột).

Ngay cả một số tuyến đường khu vực nội thành Buôn Ma Thuột cũng hư hỏng không kém. Con đường nối tổ dân phố 7 và 9 phường Khánh Xuân mấy năm nay trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương. Đây cũng là tuyến đường đi tắt sang huyện Buôn Đôn nên lượng xe tải lưu thông nhiều, cùng với đó có Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông cao. Vào giờ cao điểm, con đường càng trở nên chật chội, xe thô sơ và người đi bộ phải nép vào lề đường để nhường lối đi cho xe lớn. Anh Lâm Ngọc Long, tổ dân phố 9 cho biết, nhà anh ở ngay mặt đường, không ít lần chứng kiến cảnh các cháu học sinh té xe, sách vở, quần áo ướt sũng. Người dân ở đây mong muốn địa phương sớm bố trí vốn hoặc có phương án khắc phục tạm thời để việc đi lại được thuận lợi, an toàn. Em Bạch Nguyễn Trường Huy, học sinh lớp 6D, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng kể, năm ngoái, trên đường từ trường về nhà, lúc tránh các xe khác, xe đạp của em đi vào vũng nước sâu, bị té xuống đường, chấn thương ở phần vai. Kể từ hôm đó, bố mẹ thay nhau chở em đi học chứ không dám để em tự đi xe đạp… Ngoài ra, tuyến đường liên tổ dân phố 1, 2, 3 và 4 của phường Khánh Xuân cũng trong tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Hữu Danh, Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân cho hay, phường có nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân và đã cử cán bộ kiểm tra thực tế. Trước mắt, phường dự kiến trích khoảng 40 triệu đồng và vận động bà con đóng góp để khắc phục tạm thời các vị trí hư hỏng, mất an toàn giao thông để người dân đi lại thuận lợi hơn.

Trước những nguyện vọng chính đáng của người dân, mong rằng chính quyền địa phương sớm có những biện pháp khắc phục, bảo đảm đi lại thuận lợi, an toàn. Cùng với đó, lực lượng chức năng tăng cường các giải pháp hạn chế tình trạng xe quá tải lưu thông qua lại, tránh xảy ra tình trạng sửa chữa rồi cũng như không.

Hệ thống giao thông đường bộ Đắk Lắk có tổng chiều dài gần 10.400 km. Hiện nay, nhiều tuyến tỉnh lộ, đường liên xã bị xuống cấp trầm trọng. Mặc dù hằng năm kinh phí phân bổ để duy tu sửa chữa nhưng quá ít, chỉ đáp ứng từ 30-40% nhu cầu.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.