Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Không chỉ truyền nghề theo cách “cầm tay chỉ việc”, những năm qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana còn chú trọng tạo việc làm cho nông dân. Cách làm này đã giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, góp phần giải bài toán “ly nông bất ly hương” tại địa phương.
Tăng thu nhập nhờ học nghề
Năm 2012, được cán bộ Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana xuống địa phương tuyên truyền, vận động, anh Y Liễu Byă ở buôn Cuê (xã Băng Ađrênh) quyết định tham gia học lớp sửa chữa xe gắn máy. Sau 6 tháng học nghề, anh vay vốn mở tiệm sửa chữa ngay trong buôn và chỉ sau một năm đã trả hết nợ. Đến nay, từ số tiền tích góp được, vợ chồng anh mở quán bán hàng tạp hóa, xây nhà kiên cố, kinh tế ngày càng ổn định.
Học viên Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana thực hành nghề xây dựng dân dụng. |
Nhờ nghề xây dựng, gia đình anh Y Păn Bkrông, ở buôn Nắc (xã Ea Bông) đã thoát nghèo. Trước đây anh làm phụ hồ, thu nhập thấp và công việc không đều. Sau khi học xong lớp xây dựng dân dụng tại Trung tâm, anh đã nhận thầu xây nhà cửa đơn giản trong buôn. Đối với những công trình lớn, anh được chủ thầu tin tưởng giao việc và trả mức lương của thợ chính. Nhờ có tay nghề nên mỗi tháng anh kiếm được khoảng 6 triệu đồng. Theo anh Y Păn, đến nay đã có 10 người trong buôn học nghề xây dựng tại Trung tâm và đã xây được những công trình phụ, có nguồn thu nhập ổn định.
Sau khi học nghề trồng nấm tại Trung tâm Dạy nghề huyện, bà H’Juăn Êban ở buôn Êcăm (thị trấn Buôn Trấp) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trại trồng nấm. Được cán bộ Trung tâm đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật, giám sát quá trình thực hiện, gia đình đã sản xuất thành công 500 bịch nấm linh chi, 700 bịch nấm sò. Đến nay, mỗi ngày gia đình bà có thu nhập trung bình khoảng 100.000 đồng từ bán nấm.
Tiếng lành vang xa, nhiều nông dân cách huyện Krông Ana cả trăm cây số cũng tìm đến đây học nghề trồng nấm. Chẳng hạn như anh Nguyễn Quốc Hậu (xã Ea Uy, huyện Krông Pắc). Trước đây, tận dụng nguồn rơm sẵn có, anh Hậu cũng đã thử nghiệm trồng nấm ngoài trời nhưng mất nhiều nguyên liệu, chi phí đầu tư cao mà lợi nhuận thấp. Qua thông tin đại chúng, biết Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana dạy cách trồng nấm trang trại nên anh quyết tâm đến học và đã thành công với mô hình này. Nhiều nông dân trong xóm đã tới tham quan, học hỏi và được anh Hậu phổ biến kỹ thuật trồng nấm.
Sát cánh cùng nông dân
Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956), ngoài những lớp theo chỉ tiêu phân bổ, Trung tâm tập trung đào tạo nghề theo nhu cầu của nông dân cũng như nhu cầu của xã hội, đem lại thu nhập ổn định, giúp bà con chuyển đổi nghề nghiệp như: trồng nấm, may mặc, sửa chữa xe gắn máy, xây dựng dân dụng… Nhờ vậy, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm không phải vất vả trong khâu tuyển sinh, mở lớp, duy trì sĩ số lớp học.
Học viên tìm hiểu quy trình trồng nấm tại Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana. |
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, các giáo viên của Trung tâm tích cực học hỏi theo kịp tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tự nghiên cứu và đổi mới giáo án đào tạo theo từng thời điểm nhằm mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, Trung tâm cũng tăng cường liên kết với các giảng viên trong và ngoài tỉnh để truyền đạt kiến thức cho học viên. Không chỉ dạy lý thuyết, Trung tâm còn trực tiếp xây dựng mô hình, thành lập tổ sản xuất để nâng cao tay nghề cho giáo viên và kỹ năng thực hành cho học viên; phân công từng giáo viên phụ trách địa bàn cụ thể có trách nhiệm hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho đến khi nông dân áp dụng thành công nghề đã học.
Thực hiện Đề án 1956, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã đào tạo nghề cho gần 2.000 học viên. Bên cạnh đó, Trung tâm còn hỗ trợ chuyển giao mô hình trồng nấm cho 6 trung tâm dạy nghề và 4 hợp tác xã trong, ngoài tỉnh; hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn các huyện: Ea Kar, Krông Pắc, Cư Kuin, Krông Năng, Ea Súp, Ea H’leo… Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt từ 75-90%, với mức thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, từ nghề trồng nấm, mỗi năm nông dân trên địa bàn huyện đã sử dụng từ 300 – 400 tấn nguyên liệu rơm, mùn cưa… tạo ra trên 5 tấn sản phẩm, thu về hơn 2 tỷ đồng.
Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã xây dựng 100 mô hình dạy nghề hiệu quả như: trồng nấm, chăn nuôi, sửa chữa xe máy, xây dựng dân dụng. Qua thực hành, học viên của Trung tâm đã xây tặng 2 căn nhà (30 triệu đồng/căn), 1 sân bóng đá mini (trị giá 40 triệu đồng), hỗ trợ công xây dựng 6 căn nhà cho MTTQVN huyện tặng hộ nghèo, tặng gần 1.000 bộ quần áo cho trẻ em nghèo, sửa chữa 500 xe máy miễn phí. |
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc