Hiệu quả cây sả trên đất khó Ea Tir
Những năm gần đây, cây sả được trồng ngày càng nhiều tại xã Ea Tir, huyện Ea H’leo, cho hiệu quả cao, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Ea Tir là xã vùng sâu, vùng xa, địa hình chủ yếu là đồi núi, đất đai cằn cỗi. Ông Phùng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tir cho biết: Xã có gần 10.000 ha đất tự nhiên, trong đó gần 80% diện tích là đất pha sỏi đá. Mặt khác, do địa hình dốc nên vào mùa mưa, đất bị xói mòi, rửa trôi, không thể canh tác lúa hay hoa màu. Vì thế nhiều diện tích phải bỏ đất hoang, người dân cứ loay hoay với bài toán thoát nghèo. Trước tình hình này, chính quyền và người dân xã Ea Tir luôn trăn trở tìm hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tìm loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương.
Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy và người dân xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc tham quan vườn sả tại xã Ea Tir. |
Vào năm 2011, một số hộ dân địa phương đã đến tỉnh Tuyên Quang tìm hiểu và mua giống sả lấy tinh dầu đưa về trồng thử nghiệm và nhận thấy loại cây công nghiệp này phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây. Anh Nông Văn Mậu (thôn 1), một trong những người đầu tiên trồng sả tại địa phương cho biết, trước đây phần lớn đất của gia đình trồng đậu, sắn nhưng hiệu quả rất thấp nên chuyển sang trồng sả. Cây sả dễ trồng, đầu tư ít, sau 4 tháng có thể cắt lá được, sau đó cứ khoảng 30-45 ngày cắt một lần, với diện tích 5 ha, mỗi năm gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng, xây được nhà cửa khang trang và mua xe hơi.
Thấy cây sả lấy tinh dầu có hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân địa phương mở rộng diện tích trồng và đầu tư xây dựng lò ép dầu sả. Theo Hội Nông dân xã Ea Tir, trên địa bàn xã hiện có khoảng 100 ha sả trồng tập trung hoặc xen canh, trong đó 60 ha đang cho thu hoạch. 1 ha sả đầu tư khoảng 20 triệu tiền giống, nhưng có thể cho khai thác trong 5 năm; bình quân mỗi năm cho thu nhập hơn 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Để giúp đỡ nhau trong sản xuất, những người trồng sả đã liên kết lại thành lập Tổ hợp tác sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào với 55 thành viên, chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2016. Từ khi hoạt động theo mô hình tổ hợp tác, việc hỗ trợ vốn đầu tư, cây giống và ngày công của các thành viên thuận lợi hơn trước. Sản phẩm tinh dầu sả ở đây được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu hoàn toàn với giá 220.000 đồng/lít. Tổ hợp tác còn liên kết bao tiêu sản phẩm với một số hộ dân tại xã Ea Rốk, huyện Ea Súp để thu gom tinh dầu sả cung ứng cho các đối tác.
Ông Phùng Văn Thanh cho biết, nhận thấy sả là cây thoát nghèo, chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng, đặc biệt là những khu vực đất đang bỏ hoang. Nông dân tại các huyện Krông Pắc, Ea Kar, Ea Súp cũng đến đây tìm hiểu cách trồng sả lấy tinh dầu. Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ cho Tổ hợp tác sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào vay 300 triệu đồng để đầu tư hệ thống ép dầu sả. Huyện Ea H’leo đang hướng dẫn cho địa phương phát triển tổ hợp tác này thành HTX nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ.
Theo cán bộ phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo, cây sả có thể thích nghi với những vùng đất xấu, chống hạn và úng nước tốt. Đặc biệt, cây này dễ trồng, chi phí đầu tư thấp và hầu như không phải bón phân. Sản phẩm tinh dầu sả có đầu ra ổn định nhờ các doanh nghiệp ngoại tỉnh bao tiêu sản phẩm làm nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm, tân dược. Do đó, ngành nông nghiệp huyện khuyến khích bà con phát triển diện tích, đặc biệt là những khu vực đất xấu và đất trồng cây khác kém hiệu quả. |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc