Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả phát triển kinh tế rừng từ vốn vay ngân hàng

08:34, 22/12/2016

Những năm gần đây, trồng rừng đã trở thành một trong những hướng phát triển kinh tế hiệu quả của huyện M'Đrắk. Với “đầu ra” của sản phẩm luôn ổn định, việc đẩy mạnh cho vay vốn tại các ngân hàng cũng đã hỗ trợ đáng kể để người nông dân phát huy thế mạnh địa phương nhằm nâng cao đời sống.

Từ “con nợ” thành “chủ nợ”

Là một trong những hộ giàu lên nhờ trồng keo tại xã Cư Króa, bà Ngô   Thị Vân (thôn 2) hiện có trên 50 ha rừng keo. Để có được diện tích trồng keo lớn như vậy, bà Vân đã phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Bà kể, năm 1993, bà cùng gia đình vào Cư Króa để lập nghiệp. Với hai bàn tay trắng, vợ chồng bà đã phải khai hoang từng mảnh đất nhỏ. Không có vốn đầu tư cây giống, ông bà phải tách từng gốc keo con trong vườn để trồng dặm. Vất vả là thế, nhưng thu nhập mang lại cũng chẳng được là bao. Đến năm 1997, được sự bảo lãnh của Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh huyện M'Đrắk (Agribank M'Đrắk) Nguyễn Đình Diệu (lúc ấy đang là cán bộ tín dụng), bà Vân vay được 30 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn, nhưng cũng giúp gia đình bà mở rộng thêm được diện tích và đầu tư chăm sóc rừng cây. Cứ thế, sau mỗi lần thu hoạch rừng, gia đình bà lại mở rộng diện tích. Đến năm 2013, trong tay gia đình bà Vân đã có đến gần 100 ha rừng keo. Với diện tích lớn nên càng cần phải có tiền đầu tư, ông bà lại được Agribank M'Đrắk cho vay, lúc cao điểm số tiền vay lên đến trên 2 tỷ đồng. Đến năm 2015, gia đình bà Vân thu hoạch toàn bộ số keo, sau khi trừ chi phí đã thu lại được gần 6,9 tỷ đồng. Với số tiền này, bà Vân không những trả hết nợ cho Agribank M'Đrắk mà còn gửi lại vào ngân hàng này trên 1 tỷ đồng. Bà Vân vui vẻ: “Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của ngân hàng mà tôi từ “con nợ” lớn, nay đã lại thành “chủ nợ” của Agribank M'Đrắk...”. Trường hợp như gia đình bà Ngô Thị Vân không phải hiếm ở huyện M'Đrắk, nhất là ở những xã có diện tích rừng keo lớn như Cư Króa, Ea Trang, Krông Á...

Cán bộ Agribank M’Đrắk kiểm tra hiệu quả vốn vay của một hộ trồng keo trên địa bàn.
Cán bộ Agribank M’Đrắk kiểm tra hiệu quả vốn vay của một hộ trồng keo trên địa bàn.

 

“Trong những giai đoạn khó khăn, nếu không có sự tin tưởng, hỗ trợ từ phía ngân hàng thì chắc chắn gia đình tôi không thể có được như ngày hôm nay”. 

Bà Ngô Thị Vân - thôn 2, xã Cư Króa

“Đòn bẩy” hỗ trợ tài chính

Kinh tế rừng nói chung, trồng rừng nói riêng đòi hỏi phải có thời gian đầu tư dài trước khi có thu nhập. Do vậy, nói việc trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế là đúng, nhưng đòi hỏi phải có nguồn lực vốn lớn. Ông Bùi Văn Tý (thôn 5, xã Cư Króa) cho biết, để có sản phẩm thu hoạch, mỗi vườn cây phải có chu kỳ trồng, chăm sóc ít nhất 4 năm. Do đặc thù của cây rừng, nên trong thời gian này không thể trồng xen loại cây khác theo dạng “lấy ngắn, nuôi dài”. Vì vậy, vốn vay ngân hàng là giải pháp tối ưu và là “đòn bẩy” tài chính cần thiết. Hiện nay, trên địa bàn huyện M'Đrắk, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Agribank M'Đrắk là hai đơn vị chủ lực trong cho vay phát triển kinh tế rừng. Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH M'Đrắk Hồ Xuân Dựng cho biết, chỉ tính riêng  dư nợ của đơn vị tại những xã trọng điểm trồng rừng của huyện như Cư Króa, Ea Trang, Krông Á lên đến 42 tỷ đồng, trong đó phần lớn dư nợ được đầu tư vào việc trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Còn tổng dư nợ đầu tư trồng rừng của Agribank M'Đrắk hiện trên 18 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đình Diệu cho hay, vốn vay đầu tư vào trồng rừng đã được các hộ dân trong huyện sử dụng rất hiệu quả, mà bằng chứng rõ nét nhất là những khoản vay này đều được trả đúng hạn, không phát sinh nợ xấu.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, phát triển kinh tế rừng còn tạo hiệu ứng xã hội rất lớn. Đến nay, nhận thức về phát triển kinh tế của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi rất nhiều. Nhờ biết tận dụng những chính sách hỗ trợ của địa phương và nhiều nguồn vốn vay ưu đãi từ phía ngân hàng để phát triển diện tích rừng trồng nên nhiều gia đình trước đây thuộc diện nghèo, nay đã khấm khá hơn. Không những vậy, kinh tế rừng còn làm thay đổi tập quán khai thác rừng bừa bãi của người dân, hướng tới phát triển rừng một cách bền vững.

Giang Nam

 

Ý kiến bạn đọc