Multimedia Đọc Báo in

HTX Thăng Bình thực hiện tốt vai trò "bà đỡ" cho nông dân

08:34, 22/12/2016

Những năm qua, HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (gọi tắt là HTX Thăng Bình) ở xã Cư Kty, huyện Krông Bông đã thể hiện được vai trò là “bà đỡ” cho kinh tế hộ, tập hợp nông dân để tổ chức sản xuất và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng bền vững.

Cuối năm 2013, một nhóm liên kết hộ nông dân do ông Võ Văn Sơn đứng đầu đã phát triển lên thành HTX Thăng Bình, với 10 sáng lập viên ban đầu và 500 triệu đồng vốn góp. Ông Võ Văn Sơn, Giám đốc HTX Thăng Bình nhớ lại: Những ngày đầu khi mới thành lập HTX gặp rất nhiều khó khăn do nguồn vốn kinh doanh còn hạn hẹp, thêm vào đó là thị trường luôn biến động, để tìm được một chỗ đứng vững chắc trên thị trường cũng như tạo niềm tin đối với người dân là điều không hề dễ dàng. Xác định cây nông nghiệp là cây trồng chủ lực nuôi sống bà con trên địa bàn, HTX đã từng bước mở rộng diện tích canh tác, không ngừng tìm kiếm những phương pháp sản xuất tiên tiến để áp dụng trong sản xuất. HTX đã tiến hành cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư và cải tiến nhiều phương tiện máy móc đưa vào áp dụng trên đồng ruộng, nhằm thay thế dần sức lao động thủ công, giảm chi phí sản xuất. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh mà năng suất cây trồng tăng lên 1,5 đến 2 lần so với trước đây.

Mô hình trồng mía mang lại hiệu quả cao của xã viên HTX Thăng Bình.
Mô hình trồng mía mang lại hiệu quả cao của xã viên HTX Thăng Bình.

Bên cạnh đó, HTX đã phối hợp với trạm khuyến nông, với các doanh nghiệp xây dựng thành công nhiều mô hình tiên tiến về giống cây trồng cho năng suất cao, tổ chức hội thảo để nhân rộng mô hình ra cho bà con canh tác trên toàn huyện. Trong đó, thành công nhất là mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê mà HTX phối hợp thực hiện cùng Trường Đại học Thủy Lợi (TP. Hồ Chí Minh) vào năm 2015 tại xã Cư Kty với quy mô 1 ha. Mô hình đã góp phần hạn chế tình trạng hạn hán thiếu nước tưới cho cây cà phê vào mùa khô, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra HTX còn vận động 19 hộ gia đình trên địa bàn xã Cư Kty quy đất chung vào một thửa để triển khai mô hình cánh đồng mẫu chung chuyên sản xuất mía giống cao sản với diện tích 15 ha. Đến nay, mô hình đã bảo đảm cung ứng đủ giống cho các vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Nông và đang được nhân rộng ra các vùng khác trên toàn tỉnh.

Ông Phan Công Hảo ở thôn 2, xã Cư Kty phấn khởi cho biết, ông tham gia HTX Thăng Bình từ năm 2013, từ đó việc sản xuất nông nghiệp của gia đình trở nên dễ dàng và đạt năng suất hơn. HTX đã đại diện cho quyền lợi của người dân, trở thành cầu nối để nông dân dễ dàng tiếp cận hơn với các nhà khoa học, các doanh nghiệp.

Ngoài ra, để hỗ trợ xã viên, HTX đã đứng ra ký hợp đồng với các công ty phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, cung ứng đầy đủ vật tư nông nghiệp theo từng mùa vụ cho người nông dân với tổng vốn đầu tư hằng năm trên 6 tỷ đồng; hợp đồng với Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Nông xây dựng vùng mía nguyên liệu cho bà con nông dân các xã Cư Kty, Hòa Sơn, Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ, hằng năm cung ứng cho nhà máy trên 10.000 tấn mía nguyên liệu, mang thu nhập về cho địa phương trên 10 tỷ đồng. Hiện nay HTX có 12 tổ đội sản xuất, tạo việc làm cho 9 lao động thường xuyên và trên 350 lao động thời vụ tại địa phương với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng/người.

 Khả Ngân


Ý kiến bạn đọc