Multimedia Đọc Báo in

Khi những cơ hội bị bỏ lỡ

10:19, 06/12/2016

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam – Nam Phi tại Đắk Lắk. Đây là một hội thảo chuyên đề đáng ra phải được cộng đồng doanh nghiệp (DN) quan tâm, nhưng không hiểu sao rất ít DN có mặt.

Chia sẻ bên lề hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương tỏ ra tiếc nuối vì thời gian chuẩn bị quá gấp nên không kịp mời các DN ở các tỉnh lân cận về tham dự hội thảo mà chỉ có thể mời các DN của Đắk Lắk. Bởi như ông đánh giá, hội thảo này sẽ mở ra hàng loạt cơ hội cho DN mở rộng thị trường vào Nam Phi nói riêng, Châu Phi nói chung. Thực tế là những thông tin ở hội thảo này giúp DN biết thị trường Nam Phi đang cần những gì; DN Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng có thể đáp ứng được những gì; làm thế nào để thâm nhập thị trường này một cách hiệu quả, an toàn... Đáng nói hơn, những thông tin đó là cực kỳ chính thống, đáng tin cậy bởi chúng được đưa ra từ chính những người đang đại diện cho đất nước Nam Phi tại Việt Nam.

Lâu nay không ít DN kêu khó khăn trong hoạt động kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế, mà một trong những nguyên nhân là do thiếu thông tin. Ấy vậy mà khi cơ hội đến họ lại không nắm bắt lấy. Tiếc rằng, đây không phải lần đầu tiên cộng đồng DN tỏ ra thờ ơ với những sự kiện có liên quan mật thiết đến quyền lợi của mình. Chẳng hạn như những cuộc đối thoại giữa UBND tỉnh với DN, giữa ngành Thuế với DN nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN thì DN cũng chỉ đến rất ít hoặc đến cho có mặt rồi bỏ về giữa chừng mà quên mất rằng những hoạt động ấy mang lại lợi ích như thế nào cho mình.

Muốn phát triển sản xuất kinh doanh, muốn hội nhập kinh tế quốc tế mà thiếu sự chủ động từ bản thân DN thì khó có thể đạt được thành công. Vậy nhưng biết trách ai bây giờ khi những cơ hội như thế cứ mãi bị bỏ qua...

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.