Multimedia Đọc Báo in

"Mất ngủ" với hoa Buôn Ma Thuột

09:10, 30/12/2016

Trồng những giống hoa truyền thống để cung cấp cho thị trường vào những dịp lễ, tết đang là thực tế phổ biến đối với người trồng hoa ở Buôn Ma Thuột. Còn những loài hoa mới lạ khác chưa thể có mặt ở đây, vì người trồng e ngại, chưa dám đầu tư bởi các yếu tố thị trường, giống và đặc biệt là công nghệ vẫn còn là “ẩn số”.

“Ăn chắc, mặc bền”

Đi khắp các vựa hoa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đều thấy chủ yếu là cúc, huệ, lay ơn và cẩm chướng thuần chủng. Ông Lê Điệp, người trồng hoa lâu năm ở khối 8, phường Tân Tiến bảo: “Trồng mấy loại hoa truyền thống này cho chắc, tuy giá cả không cao (khoảng 7-10 nghìn đồng/chục hoa mỗi loại), nhưng bán được quanh năm”. Chính vì thế mà gần 3 sào cúc, huệ của ông Điệp cũng đủ trang trải cho cuộc sống thường ngày. Còn hướng đến làm giàu từ nghề trồng hoa truyền thống này thì khó, bởi không có gì đột phá cả. Người mua là bạn hàng quen thuộc, sản phẩm hoa chỉ để phục vụ dịp lễ, tết và cúng kiếng bình thường. Thành ra, nói như ông Điệp và nhiều chủ nhân có vựa hoa ở đây rằng, cứ thong thả với sinh kế này, chẳng nghĩ đến chuyện “nâng cấp” vườn hoa của mình.

Hoa cúc của anh Dũng trồng và bày bán tại chợ hoa Xuân Bính Thân - 2016 (ảnh do nhân vật cung cấp).
Hoa cúc của anh Dũng trồng và bày bán tại chợ hoa Xuân Bính Thân - 2016 (ảnh do nhân vật cung cấp).

Nghiệp trồng hoa và theo đuổi “giấc mơ hoa” của anh Trần Anh Dũng (phường Thành Nhất) thì không như vậy. Anh Dũng quyết tâm làm giàu từ loại cây trồng này từ khi kế thừa nghề trồng hoa của bố mình vào những năm 90. Cắt ra khoảng 5 sào từ thửa đất hơn 1 mẫu của gia đình, anh Dũng đầu tư cơ sở hạ tầng (mái che, nhà lồng, hệ thống phun tưới) mất gần 100 triệu đồng với dự định trồng hoa thương phẩm, cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, shop buôn bán hoa cao cấp trên địa bàn Buôn Ma Thuột và vùng lân cận. Anh nhiều lần cùng bạn bè trong nghề sang Đà Lạt học tập kinh nghiệm, sưu tập giống hoa mới đang được thị trường ưa chuộng như sao chổi, bạch cúc, ngàn sao, cát cẩn, tím la lan, phi yến… đem về nhân giống để trồng với hy vọng dần thay đổi các giống hoa truyền thống. Song, do điều kiện tự nhiên không thích hợp, lại thiếu công nghệ, kỹ thuật nên không thể biến giấc mơ trở thành hiện thực, anh đành quay lại với giống hoa cúc, huệ, lay ơn như cũ. Anh Dũng tâm sự: Tết năm nay, cũng như bao gia đình khác, anh chỉ trồng cúc đại đóa để bán, chứ không có loại hoa nào mới.

Tìm hướng đi cho hoa

Có thể nói giống mới và công nghệ là 2 yếu tố mà người trồng hoa ở Buôn Ma Thuột mơ ước. Nhiều năm lăn lộn tìm hướng đi cho nghề trồng hoa của gia đình, anh Dũng nhận ra giống hoa nào thì công nghệ ấy. Có được giống thì sẽ tìm ra công nghệ, khổ nỗi những giống hoa mà anh cất công sang xứ sở ngàn hoa mang về đều đã được “âm bản”. Có nghĩa là chủ nhân nắm giữ những giống hoa ấy đã xử lý kỹ thuật về mặt sinh hóa cơ bản, khiến nó chỉ sống và phát triển trong một chu kỳ nhất định mà thôi, không thể nhân giống rộng rãi được. Người am hiểu về nghề trồng hoa, sưu tập hoa cho biết đó là bí quyết với mục đích độc quyền tối đa nhằm tồn tại và định vị thương hiệu trong sản xuất và kinh doanh. Vì thế, theo anh Dũng những giống hoa “đẳng cấp” mà anh đã mang về từ Đà Lạt không thể gầy dựng được trên quê hương mình.

Vậy làm thế nào để thâm nhập vào những trang trại, công ty sản xuất hoa danh tiếng trên cả nước, nhất là ở Đà Lạt để có giống hoa và công nghệ sản xuất thật sự “dương bản” để phát triển một cách an toàn, hiệu quả? Câu trả lời là không thể, chỉ trừ khi làm thành viên liên kết với họ (công ty, trang trại nắm giữ giống và công nghệ trồng hoa). Mà để trở thành thành viên trong chuỗi liên kết kia không phải dễ, bởi đối tác phải khảo sát, kiểm tra năng lực trên nhiều mặt: điều kiện sản xuất, đất đai, khí hậu, thị trường… mới được. Anh Dũng thổ lộ đã nhiều lần đi lại với Công ty hoa Dalat Hasfarm để xin được liên kết mà không có kết quả, đành ngậm ngùi với mấy giống hoa đã thoái hóa và ngày càng giảm sút chất lượng của mình.

Qua tâm tình của anh Dũng, cũng như nhiều người có ý chí tiến thủ trong làng hoa Buôn Ma Thuột thì vẫn có con đường cho hoa ở đây “lột xác” - ấy là phải ngồi lại với nhau dưới hình thức hiệp hội, hay hợp tác xã cùng ngành nghề để sản xuất, kinh doanh các loại hoa. Từ đó làm tiền đề để từng bước kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền thành phố trên các mặt: chính sách, chủ trương quy hoạch, phát triển nông nghiệp, trong đó ưu tiên cho cây hoa thương phẩm, để nó trở thành nguồn hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao như Sa Đéc (Đồng Tháp), Huế hay Hội An (Quảng Nam)… Hơn thế, một khi hoa ở Buôn Ma Thuột đã có thực lực và thương hiệu rồi thì dưới một danh nghĩa nào đó - người trồng hoa và chính quyền địa phương mới cùng nhau “bắt tay” với các công ty, trang trại hoa nổi tiếng để mưu cầu lợi ích và định hình con đường phát triển dài hơi cho hoa trên vùng đất này.

               Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.