Multimedia Đọc Báo in

Một năm vượt khó của ngành Nông nghiệp

09:16, 30/12/2016

Năm 2016, ngành Nông nghiệp Đắk Lắk đã phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng sản xuất vẫn tiếp tục phát triển, giữ vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Một năm vượt khó vừa qua cho thấy thêm những bài học kinh nghiệm và nhiều việc cần làm trên chặng đường phát triển nông nghiệp tiếp theo.

Hiệu quả của bài toán chuyển đổi

Những ngày cuối năm, anh Lê Cảnh Hương ở thôn 1, xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) phấn khởi hơn sau một năm làm việc đầy vất vả. Trong năm qua, do ảnh hưởng bởi hạn hán nên 2 ha rẫy của gia đình anh chịu nhiều thiệt hại: cà phê bị giảm năng suất, còn hồ tiêu thì bị bệnh chết nhanh, chết chậm… Được cán bộ xã tư vấn, giới thiệu, anh Hương mạnh dạn trồng xen giống gấc năng suất cao và chanh dây Đài Loan. Không phụ công chăm sóc, ngay lứa thu hoạch đầu tiên, anh Hương thu về gần 100 triệu đồng… Anh Hương vui mừng nói: “Tưởng năm nay sẽ thất thu nhưng nhờ những giống cây ngắn ngày mà thu nhập của gia đình đã được nâng cao hơn, tết năm nay chắc chắn đầy đủ, đầm ấm hơn so với mọi năm rồi!”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, năm qua tình trạng khô hạn kéo dài đã khiến sản xuất nông nghiệp địa phương gặp rất nhiều khó khăn. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân tìm hướng sản xuất phù hợp như: tập trung ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn… Riêng đợt hạn hán giữa năm 2016, ngành Nông nghiệp huyện đã hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang những cây trồng ngắn ngày phù hợp với điều kiện tự nhiên mà lại có giá trị kinh tế cao như khoai lang Nhật, chanh dây Đài Loan… Theo đó, tuy đối mặt với nhiều thách thức nhưng mức tăng trưởng của ngành vẫn tăng trên 4% so với năm 2015.

Nông dân huyện Ea Kar trao đổi về các giống ngô lai năng suất cao.
Nông dân huyện Ea Kar trao đổi về các giống ngô lai năng suất cao.

Nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh thâm canh, xen canh gối vụ là một trong nhiều giải pháp mà huyện Cư M’gar cũng như nhiều địa phương khác đã thực hiện để dần đưa sản xuất nông nghiệp thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Theo đó, sản lượng nhiều loại nông, lâm, thủy sản vẫn tăng cao, gia tăng giá trị, đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2016 toàn tỉnh có 90.744 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng bởi hạn hán, trong đó có 8.692 ha mất trắng (68.780 ha cà phê bị hạn, mất trắng 5.570 ha; 5.153 ha hồ tiêu bị hạn, mất trắng 558 ha; 8.824 ha lúa bị hạn, mất trắng 1.952 ha…), tổng thiệt hại ước tính hơn 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn đạt 18.892 tỷ đồng, bằng 107,6% kế hoạch; tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 4,25% (kế hoạch tăng 3,5-4%).

Quyết tâm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Để nông nghiệp thích ứng với nhiều thách thức trong đó có biến đổi khí hậu như hiện nay, phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững là đòi hỏi bức thiết và cần quyết tâm cao.

Với cà phê - cây trồng chủ lực của tỉnh, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) Trương Hồng cho rằng, cần có thêm nhiều chương trình, giải pháp khoa học công nghệ hỗ trợ nông dân như: nghiên cứu giống cà phê chống chịu hạn; xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm; tiếp tục khuyến cáo trồng cây che bóng hoặc trồng xen cây ăn quả vào vườn cà phê để tăng thu nhập trên một diện tích...

Là một trong những địa phương có nhiều khởi sắc trong phát triển nông nghiệp, huyện Cư M’gar cũng thể hiện quyết tâm hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Minh khẳng định: Năm 2017, huyện sẽ tiếp tục thay thế những diện tích cà phê, lúa… ngoài quy hoạch, thường xuyên thiếu nước, thổ nhưỡng không phù hợp, chuyển sang những loại cây có khả năng chịu hạn; khuyến khích tăng tỷ lệ xen canh một số loại cây thích hợp như bơ booth, sầu riêng… trong vườn cà phê để tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Giai đoạn 2017 đến 2020, định hướng đến 2025, huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường đầu tư; vừa sản xuất, vừa chuyển giao công nghệ cho nông dân.

Với dự báo năm 2017, ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương cho biết: Ngành đã có chương trình, kế hoạch cụ thể chủ động hướng dẫn các địa phương, bà con nông dân sẵn sàng ứng phó với các tình huống. “Định hướng thời gian tới, trọng tâm của ngành là giải quyết các vấn đề như ứng dụng công nghệ cao; tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết hợp tác, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của các doanh nghiệp từ khâu tổ chức sản xuất cho đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…”, ông Dương nói.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.