Mưa lớn kéo dài gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở M'Đrắk
Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của đới gió đông trên cao và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trên địa bàn huyện M’Đrắk đã xảy ra mưa trên diện rộng, gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê, trong 7 ngày đầu tháng 12, lượng mưa đạt 679 mm, chiếm 27,5% tổng lượng mưa 11 tháng đầu năm 2016. Mưa liên tục đã làm ngập nhiều ngầm, cầu, cống khiến các tuyến giao thông chính vào các xã Ea Riêng, Krông Á, Cư Prao, Ea Trang, Cư San… bị chia cắt; nhiều ao hồ nuôi trồng thủy sản ở xã Ea Pil, Ea Lai bị vỡ, tràn bờ, các chân ruộng thấp bị san phẳng, kênh mương sạt lở, mực nước tại các công trình thủy lợi, sông suối tăng nhanh. Đến nay, mực nước tại 60/60 công trình thủy lợi trên địa bàn huyện M’Đrắk đã vượt ngưỡng tràn từ 0,4 m đến 0,6 m; trong đó các công trình đập đội 36 xã Ea H’Mlay, đập đội 3, đập C19 xã Ea Riêng… có nguy cơ mất an toàn cao. Về giao thông, công trình cầu tràn liên hợp thôn 9, xã Cư Króa bị hư hỏng nặng, nhiều tuyến đường cũng bị ngập, sạt lở, xói mòn ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Mưa kéo dài cũng làm hàng nghìn héc-ta cây trồng các loại bị thiệt hại.
Đến nay, toàn huyện M’Đrắk đã xuống giống hàng chục héc-ta (kế hoạch 100 ha) rau xanh các loại để phục vụ Tết Đinh Dậu. Song, 2 đợt mưa lớn và kéo dài những ngày qua khiến hầu hết diện tích rau trồng mới và rau đang phát triển bị mất trắng. Điển hình như gia đình anh Ngô Xuân Hiển (tổ dân phố 3, thị trấn M’Đrắk), đã xuống giống 300 m2 rau xanh lần thứ 3 nhưng hạt giống bị hư hỏng không nảy mầm hoặc cây con bị dập nát. Người dân xã Ea Lai những ngày vừa qua cũng đứng ngồi không yên bởi hàng nghìn trụ tiêu bị ngập úng, ngã đổ do ảnh hưởng của mưa kéo dài gây ra. Theo thống kê ban đầu, toàn xã có 2.155 trụ tiêu bị úng nước nghiêm trọng, tập trung chủ yếu tại thôn 4, thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 8… Ngoài ra, còn có 137 trụ hồ tiêu bị gãy đổ, chủ yếu là các gốc tiêu đã cho thu hoạch từ năm thứ 3 trở lên, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Điều mà người trồng tiêu lo lắng hơn là tình trạng nhũng úng, nhiễm bệnh thối cổ rễ có thể khiến tiêu chết hàng loạt sau khi nước rút.
Hiện nay đang là thời điểm xuống giống các loại cây trồng vụ đông xuân 2016-2017 nên mưa lớn kéo dài đã gây không ít trở ngại cho việc bảo đảm khung thời vụ và kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2016-2017, huyện M’Đrắk phấn đấu gieo trồng 5.145 ha cây trồng các loại; lịch thời vụ bắt đầu từ ngày 1-12-2016, trong đó: lúa nước trà sớm từ ngày 1-12 đến 15-12; lúa trà chính, ngô và đậu đỗ các loại gieo trồng từ ngày 15-12 đến 15-1-2017; sắn, mía từ ngày 1-12-2016 đến 31-1-2017. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các loại cây trồng chưa thể xuống giống theo kế hoạch, một số diện tích đã xuống giống nhưng ngập úng không phát triển, phải gieo sạ lại.
Trước tình hình trên, UBND huyện M’Đrắk đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ và hiện trạng công trình, tiến hành cắm biển báo tại các công trình nguy hiểm; phối hợp với các địa phương triển khai phương án sơ tán, bảo đảm an toàn cho nhân dân vùng hạ du; huy động nguồn nhân lực kịp thời khơi thông dòng chảy tại các vùng ngập úng với phương châm “4 tại chỗ”. Huyện cũng khuyến cáo nông dân khẩn trương thu hái, phơi sấy các loại cây trồng đang vào vụ thu hoạch như cà phê, sắn… đồng thời, có biện pháp tiêu nước để bảo vệ cây hồ tiêu, tăng cường chăm sóc, tạo điều kiện cho cây trồng nhanh chóng phục hồi sau ngập úng.
Mỹ Sự - Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc