Multimedia Đọc Báo in

Mưa nhiều, người trồng cà phê thêm nỗi lo

09:00, 16/12/2016

Từ đầu tháng 12 đến nay, mưa liên tục khiến cho việc thu hoạch cà phê  niên vụ 2016-2017 của người dân vất vả hơn mọi năm.

Mặc dù trời đang mưa nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, thôn 7, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) cùng người làm vẫn tranh thủ thu hoạch cà phê. Anh Dũng cho biết: “Gia đình có hơn 2 ha cà phê nhưng mới hái được gần 1 ha thì gặp trời mưa. Đợt này trời mưa kéo dài, mưa liên tục cả ngày, cà phê rụng nhiều nên gia đình phải vừa hái, vừa lượm. Hái trên cây thì nhanh nhưng nhặt cà phê rụng phải tốn thêm nhiều công …”.

Thuê được nhân công từ sớm nên gia đình anh Hoàng Việt Hà, thôn 1, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) đã thu hoạch xong cà phê từ cuối tháng 11. Nhưng những ngày qua, mưa liên tục, không phơi được khiến cà phê lên mốc trắng, mốc vàng. Anh Hà thở dài: “Trái ngược với mọi năm, năm nay đến cuối tháng 11 mà trời vẫn còn mưa đã ảnh hưởng đến việc phơi cà phê. Mọi năm, tôi chỉ phơi khoảng 20 đến 25 ngày nắng nhưng mưa gió thế này, chắc phải phơi từ 30 đến 35 ngày mới khô được”.

Người dân huyện Cư M'gar thu hoạch cà phê.  Ảnh:  V. Tiếp
Người dân huyện Cư M'gar thu hoạch cà phê. Ảnh: V. Tiếp

Lo ngại mưa kéo dài, cà phê thu hoạch về bị mốc ảnh hưởng tới chất lượng thương phẩm, nhiều hộ dân đã mang cà phê đi sấy. Ông Đinh Hữu Đằng, chủ một lò sấy tại xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) nói: “Tôi sắm lò sấy chủ yếu để phục vụ cho gia đình nhưng ai có nhu cầu, tôi vẫn sấy với giá 1 triệu đồng/tấn cà nhân. Những ngày mưa này, người dân mang cà đến sấy đông lắm!”.

Không chỉ vất vả trong thu hái, phơi, sấy, mưa nhiều, người trồng cà phê còn thêm một nỗi lo khác lớn hơn. Những trận mưa ngay đầu mùa khô này đã kích thích cây cà phê ra hoa trong khi nhiều diện tích cà phê chưa thu hoạch xong. Ông Nguyễn Sĩ Đích ở thôn 3, xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) lo lắng: “Gia đình vừa tái canh  vườn cà phê được 3 năm, trời lại mưa trong lúc thu hái sẽ làm rụng hoa, giảm khả năng đậu quả. Năm tới có khả năng sẽ giảm sản lượng mất thôi…”.

Còn ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho hay, năm nay năng suất cà phê bình quân trên địa bàn huyện chỉ đạt 19,4 tạ/ha, giảm 15% so với cùng kỳ niên vụ trước. Đây là năm thứ 3 liên tiếp huyện bị mất mùa cà phê. Bên cạnh nhiều vườn cà phê già cỗi chưa được tái canh, thì một nguyên nhân quan trọng nữa là do biến đổi khí hậu, điển hình là tình trạng khô hạn kéo dài trong mùa mưa, còn mùa khô thì lại có mưa. “Đầu năm hạn hán, cuối năm mưa nhiều, dự báo năng suất cà phê niên vụ tới có khả năng sẽ giảm”, ông Mười nói.

Nông dân thu hoạch  cà phê gặp khó khăn  do trời mưa.
Nông dân thu hoạch cà phê gặp khó khăn do trời mưa.

Niên vụ cà phê 2016 – 2017, toàn tỉnh có hơn 203.000 ha cà phê, trong đó 192.000 ha cho thu hoạch với sản lượng dự kiến 453.000 tấn cà phê nhân. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Đến thời điểm này, toàn tỉnh thu hoạch cà phê được khoảng 50%, chậm hơn so với những năm trước. Cà phê chưa kịp thu hái gặp mưa bung hoa sớm có khả năng sẽ làm giảm năng suất mùa vụ sau”.

Theo ông Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, thời tiết như hiện nay, nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê không nên ủ chất đống, hay để trong bao tải mà nên trải đều trong sân phơi có mái che hoặc phơi trên bạt ni lông để tránh tình trạng lên men. Ông Vinh khuyến cáo: “Tốt nhất nên chủ động sơ chế cà phê tươi bằng các hình thức chế biến ướt, xát dập rồi phơi, sấy để đảm bảo chất lượng cà phê nhân và giảm thất thoát”.               

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc