Multimedia Đọc Báo in

Nhà nông 8x với mô hình rau, củ an toàn

08:12, 25/12/2016

Là cử nhân Công nghệ may làm việc tại Bình Dương, nhưng anh Ngô Đình Quyền (sinh năm 1987) thôn Phước Thọ 2, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc lại ấp ủ một ước mơ làm giàu từ chính quê hương mình.

Gặp anh Quyền vào đúng vụ thu hoạch bắp cải, nhìn vườn bắp cải mênh mông, bắp nào cũng xanh, tròn, nặng trịch được trồng xen kẽ những gốc tiêu, ai nấy đều xuýt xoa. Anh phấn khởi nói: “Vụ mùa năm nay, sau khi trừ tất cả các chi phí, vườn bắp cải thu về 410 triệu, vườn cà tím cũng  khoảng 200 triệu”; mới thấy mô hình rau, củ của anh rất có tiềm năng.

Làm nông ở thế chủ động

Sau 2 năm làm kinh tế xa nhà, anh Quyền quyết định trở về quê lập nghiệp với mong muốn ban đầu là phát triển đại lý buôn bán rau, củ của gia đình. Anh cho biết: Do rau, củ của người dân có chất lượng không đồng đều, không ổn định về số lượng nên rất khó tìm được thị trường lớn, chỉ nhập cho các điểm bán nhỏ lẻ. Công sức bỏ ra nhiều mà lợi nhuận thu về lại thấp là điều mà anh luôn trăn trở. Anh nhận ra, muốn mở rộng và kinh doanh hiệu quả đại lý rau, củ của gia đình cần xây dựng được một mô hình sản xuất rau, củ đảm bảo chất lượng, số lượng nhằm ổn định thị trường. Tức là phải đảm bảo từ khâu chọn giống cho đến bao tiêu để người dân chuyên tâm sản suất. Mà muốn phát triển mô hình kinh tế bền vững, tạo ra những sản phẩm rau, củ có năng suất và chất lượng cần sự phối hợp của các nhà khoa học.

Anh Ngô Đình Quyền trên cánh đồng trồng mướp đắng.
Anh Ngô Đình Quyền trên cánh đồng trồng mướp đắng.

Anh tâm sự: Từ năm 2013, anh tích cực tham gia các hội thảo khoa học giống cây trồng, chủ động liên hệ với Hiệp hội Giống cây trồng Miền Nam và nhiều đơn vị cung cấp giống tìm ra những giống cây phù hợp, đạt năng suất tối đa. Kèm theo đó, tìm hiểu các mô hình trồng rau, củ của các vùng khác để áp dụng vào mô hình kinh tế của mình cho phù hợp. Toàn bộ kỹ thuật trồng trọt đến giống cây trồng ở mô hình kinh tế của anh đều được các kỹ sư nông nghiệp tư vấn. Tất cả đều được trồng thử nghiệm thành công, rồi đưa trồng đại trà.

Với ưu thế của địa phương là đất đai màu mỡ, nguồn nhân lực dồi dào, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư cho 70 hộ dân trồng các loại rau củ như: bắp cải, cải thảo, dưa chuột, mướp đắng, cà tím, khoai lang… trên diện tích gần 40 ha. Xen kẽ một số loại rau, củ là rau cải ngọt phủ kín khắp nơi nhằm tăng năng suất. Riêng trong năm nay, anh đã đầu tư cho 3 tổ hợp tác thanh niên trên địa bàn xã, trồng 5.000 m2 dưa leo giống siêu năng suất. Chỉ trong 90 ngày, sau khi đã trừ tất cả chi phí lợi nhuận đạt 45 triệu đồng.

Anh Ngô Đình Quyền đã vinh dự nhận nhiều giải thưởng: giải Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng năm 2014, Cán bộ tiêu biểu của Tỉnh Đoàn năm 2016, Thanh niên làm kinh tế giỏi của Huyện Đoàn Krông Pắc năm 2015, Thanh niên tiên tiến của xã Ea Phê năm 2013…

Anh cho biết thêm, để rau, củ phát triển tốt, an toàn anh đã có kế hoạch trồng cách li từ nhỏ, sử dụng 80% thuốc sinh học, pha thuốc với ớt, gừng, hạn chế sử dụng thuốc kích thích, thuốc hóa học đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hiện nay, mỗi ngày lượng rau, củ được anh gom về để bao tiêu trung bình 5 – 10 tấn rau, 30 – 40 tấn củ tùy theo sản phẩm. Thu nhập bình quân mỗi năm từ 300 – 500 triệu đồng.

Hỗ trợ những nhà nông trẻ

Bên cạnh làm kinh tế giỏi, anh còn là Bí thư đoàn năng nổ của thôn Phước Thọ 2. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động thanh niên làm kinh tế mà anh còn hỗ trợ về nhiều mặt, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên trên địa bàn. Trong 4 năm vừa qua, anh Quyền không chỉ tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động, đầu tư cho 70 hộ dân trong vùng làm kinh tế mà còn hỗ trợ từ 30 – 40 triệu đồng cho thanh niên trong và ngoài xã (xã Ea Quang, Krông Búk) lập thân, lập nghiệp. Anh Đăng (xã Ea Phê) cho biết, anh đã làm việc cho anh Quyền được 4 năm nay. Bên cạnh vận chuyển rau, củ đi tiêu thụ nhiều nơi với mức lương từ 3,6 triệu đến 5 triệu đồng, gia đình anh còn được hỗ trợ vốn, nhận thêm giống cây để trồng tăng thêm thu nhập.

Ngoài hỗ trợ vốn, mỗi năm 2 lần anh Quyền còn tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi khoa học kỹ thuật, giống cây trồng miễn phí cho thanh niên, mỗi đợt thu hút từ 30 – 40 người tham gia, nhằm tạo điều kiện về mọi mặt cho những thanh niên, sinh viên ra trường chưa có việc làm trên địa bàn có cơ hội phát triển kinh tế.

Với anh Ngô Đình Quyền, việc được đóng góp cho quê hương không chỉ là niềm vui  mà còn là trách nhiệm, bổn phận. Thành công của anh bắt nguồn từ ý chí dám nghĩ, dám làm, biết vận dụng khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm để làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.    

Dung Nguyễn


Ý kiến bạn đọc