Nông dân M'Đrắk chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu
Để ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi, hạn hán kéo dài, lượng mưa thấp và phân bổ không đồng đều, trong thời gian qua, nông dân huyện M’Đrắk đã chủ động thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Thực tế trên địa bàn huyện M’Đrắk cho thấy, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét đến đời sống, sản xuất của nhân dân: tình trạng hạn hán kéo dài, thời tiết biến đổi với những yếu tố khí hậu bất thường có xu hướng tăng và khó dự báo chính xác… Điều này đã làm thay đổi cơ cấu mùa vụ, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của các loại cây trồng, phát sinh dịch bệnh. Năm 2016, toàn huyện có 46,9 ha cây trồng bị nhiễm sâu, bệnh hại (tăng 10,8 ha so với năm 2015); trên 1.800 ha cây trồng các loại bị hạn (trong đó, vụ đông xuân trên 100 ha, vụ hè thu gần 1.700 ha) mất trắng hoặc giảm năng suất, ảnh hưởng đến tổng sản lượng lương thực. Trong năm cũng đã xảy ra 3 đợt mưa lớn kèm lốc xoáy tại 2 xã Ea Pil và Ea M’Đoal gây thiệt hại cho 49 hộ dân và hàng nghìn cây lâu năm, ước tính thiệt hại khoảng 1,8 tỷ đồng…
Trước tình trạng đó, việc chủ động chuyển đổi cây trồng trên một số diện tích không còn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu là giải pháp “đón đầu” hợp lý, tránh tình trạng bỏ phí đất sản xuất do thiếu nước hoặc sản xuất kém hiệu quả. Để hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi, ngành nông nghiệp huyện M’Đrắk đã xây dựng 28 mô hình sản xuất thâm canh về lúa thuần, đậu nành, sử dụng phân bón vi sinh tại các xã Krông Jing, Ea Lai, Ea M’Đoal, Cư Prao, Cư Mta, Ea Pil, Krông Á và thị trấn M’Đrắk; 3 hội thảo đầu bờ về thâm canh cây lúa nước, cá lóc đen và đậu nành tại Cư Mta, Cư Prao thu hút 170 lượt người tham dự; tổ chức 45 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt một số cây chủ lực như cây hồ tiêu, lúa lai, bắp lai, sắn và kỹ thuật chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng cho hàng nghìn lượt nông dân…
Nhiều mô hình chuyển đổi đã phát huy hiệu quả, giúp người nông dân từng bước lựa chọn hướng phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Chẳng hạn như gia đình anh Nông Thanh Quỳnh (thôn 6, xã Cư San) có 5 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 2 ha đất trồng lúa nước 2 vụ, nước tưới phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Trước đây, do nguồn nước dồi dào, đất đai được bồi đắp màu mỡ nên diện tích lúa của gia đình luôn cho năng suất cao và ổn định 7 - 8 tấn/ha. Tuy nhiên những năm gần đây, do nắng nóng kéo dài, ruộng lúa thường xuyên bị hạn, năng suất giảm từ 30 - 70%, thậm chí có vụ mất trắng. Năm 2013, gia đình anh Quỳnh quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa nước sang trồng 1 ha ngô lai, 1 ha cây keo nguyên liệu giấy. Việc chuyển đổi này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh Quỳnh thu được hơn 30 triệu đồng/năm từ cây ngô và gần 70 triệu đồng/chu kỳ 4-5 năm từ gỗ keo.
Từ cuối năm 2014, nông dân xã Ea Pil đưa vào trồng thử nghiệm cây gấc với diện tích 10 ha, chủ yếu là trên đất chuyển đổi từ mía và các loại cây màu năng suất thấp. Sau 2 năm trồng thử nghiệm, đến nay, xã Ea Pil có 30 ha gấc phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Qua tìm hiểu tại một số hộ gia đình thực hiện mô hình, gấc là cây dễ trồng, không kén đất, có thể sống ở mọi địa hình, chi phí đầu tư thấp, lại có sức chống chịu tốt, ít sâu bệnh hại. Thời gian gieo trồng đến thu hoạch từ 9 tháng đến 1 năm, vụ đầu tiên, trung bình một gốc (2 cây) cho thu 20 – 30 quả, trọng lượng khi chín đạt 1 – 1,5 kg/quả, với giá bán từ 6.000 đồng/kg đã mang lại cho nông dân thu nhập hàng chục triệu đồng/ha. Sang năm thứ hai, số quả trên mỗi cây tăng 1,5 - 2 lần.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện M’Đrắk hiện nay còn chậm và manh mún, chất lượng một số sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường và doanh nghiệp, chưa có sự liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tuy năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi có tăng hằng năm, nhưng hiệu quả và lợi nhuận đem lại cho người nông dân vẫn chưa tương xứng.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc