Multimedia Đọc Báo in

Nuôi giun quế làm thức ăn cho gia cầm - mô hình sản xuất nông nghiệp sạch

10:18, 06/12/2016

Gia đình ông Lê Quang Huy (thôn 1, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã nuôi giun quế hơn 10 năm nay. Đây là mô hình được đánh giá là mang lại lợi ích về nhiều mặt như: xử lý được chất thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch với chất lượng cao hơn hẳn các phương pháp chăn nuôi khác.

Để thực hiện mô hình, ông Huy đã tận dụng tôn cũ và ván tạp để dựng một gian nhỏ nuôi giun. Các thùng nuôi giun cũng được đóng bằng ván cũ hoặc tận dụng thùng xốp. Bên trên thùng phủ các lớp vải cũ, chiếu mục, chỉ cần giở lớp che phủ này lên đã bắt gặp ngay những chú giun nhỏ như chiếc kim khâu bao, màu đỏ ánh bạc. Gặp ánh sáng đột ngột, những chú giun lập tức chui ngay xuống lớp phân – là thức ăn cũng chính là môi trường sống của chúng. Bà Lê Thị Nga (vợ ông Huy) cho biết, thức ăn hằng ngày của giun là phân bò tươi hòa trong nước. Mỗi ngày, bà cho giun ăn một lần vào buổi sáng. Ngoài ra, bà còn thường xuyên tưới nước để giữ cho môi trường sống của giun luôn đủ ẩm.

Bà Lê Thị Nga đang chăm sóc giun.
Bà Lê Thị Nga đang chăm sóc giun.

 

Quan trọng nhất trong nuôi giun là tránh kiến, cóc, nhái, chuột… Vì vậy, cần phải đóng giá đỡ cho các thùng giun. Chân giá đỡ được tra dầu hỏa để tránh kiến xâm nhập. Trong lúc cho ăn, cũng cần thường xuyên kiểm tra các tấm phủ phòng cóc, nhái lẩn trốn để ăn giun.

Với dự định ban đầu là tạo thêm nguồn thức ăn cho đàn ngan, gà và lươn, ông đã mua giun giống từ một trang trại ở Đồng Nai. Việc nuôi giun cực kỳ đơn giản và thuận lợi. Ông cho biết: “Chỉ cần cho ăn và giữ đủ ẩm, đủ tối để giun sinh sản thì việc nhân giống diễn ra rất nhanh. Từ 20 – 30 ngày đã có thể chia đôi thùng sinh khối để tạo thành những thùng giun mới. Thức ăn cho giun cũng rất đa dạng và dễ tìm, gồm các loại chất hữu cơ như bã thực vật, vỏ các loại rau, củ (trừ loại có chất đắng, chua hoặc có chất độc); các loại phân động vật như bò, heo, dê, thỏ, gà công nghiệp,… Chỉ cần lưu ý là các loại bã hữu cơ và phân gà, phân heo cần ủ hoai để tránh sinh nhiệt trong quá trình phân hủy”. Khi số lượng giun đã nhiều lên, ông Huy tiến hành thu hoạch cho gà và ngan ăn. Tuy nhiên, sau khi ăn giun, một số gà, ngan bị chết. Ông vội tìm hiểu thông tin thì được biết giun chứa rất nhiều đạm, gà và ngan ăn giun quá nhiều gây nên hiện tượng bội thực mà chết. Sau khi tham khảo kinh nghiệm của một số hộ chăn nuôi ở địa phương khác, ông giảm lượng giun cho gà, ngan ăn trong mỗi bữa và thay đổi cách cho ăn. Theo cách làm này, gà, ngan từ 10 ngày tuổi trở lên mới cho ăn giun và chỉ cho ăn vào buổi sáng. Lượng giun trộn vào thức ăn chỉ được chiếm khoảng 10% lượng thức ăn cung cấp mỗi ngày.

Nhờ nguồn chất đạm tươi từ giun, đàn gà và ngan đều lớn nhanh như thổi, ít bệnh tật. Ông Huy cũng giảm được chi phí do không cần mua thêm thức ăn tổng hợp. Chất lượng thịt thơm ngon hơn rất nhiều so với cách nuôi thông thường. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình trong vùng đã đến tham quan mô hình của ông Huy và đề nghị mua giống giun về nuôi; nhiều nhất là các hộ nuôi cá, lươn, ếch. Thấy nhu cầu về giun giống cao, diện tích đất của gia đình lại nhỏ, không phù hợp để mở rộng chăn nuôi gà, ngan nên ông đã tạm dừng nuôi gà, ngan và chỉ tập trung vào nuôi giun giống để cung cấp cho các gia đình có nhu cầu. Với giá giun quế hiện tại là 20.000 đồng/kg, mỗi tháng, gia đình ông Huy thu được 3 – 4 triệu đồng.  

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.